Năm nay, chị H.M.T (Hà Nội) có con gái học lớp 1. Chị kể con vừa vào học chưa được một tháng, chị đã nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm thông báo phát động kỳ thi Olympic quốc tế Toán Tiếng Anh.
Chị T. nói: "Tôi thấy khá lạ vì con mới học được vài chữ, đọc chưa thông viết chưa thạo thì thi gì cái này, nhưng cũng tò mò vào trang web của kỳ thi đọc cho biết. Tôi vừa vào trang web của cuộc thi là ngay lập tức nhảy ra quảng cáo ôn thi với học phí 360 nghìn đồng".
Tới cuối tháng 11/2023, chị T. lại nhận được thông báo vận động học sinh thi Trạng nguyên Tiếng Việt.
"Cuộc thi này được cô nhắc phụ huynh cho con tham gia tới 3 lần. Ban đầu tôi cũng định "cho qua" như cuộc trước, nhưng khi thấy trong tin nhắn cô giáo có ý là sẽ đánh giá học sinh về việc tham gia các hoạt động nên dù thật lòng không muốn, tôi cũng lên mạng đăng ký tài khoản thi cho con".
Với cậu con trai học lớp 7, chị T. cho biết ngay đầu tháng 9/2023, giáo viên chủ nhiệm đã gửi link Kỳ thi thách thức tư duy thuật toán Bebras. Tới giữa tháng 10/2023, giáo viên lại gửi link báo về cuộc thi Toán học Hoa Kỳ AMC.
"Những năm trước, các cô cũng gửi thông báo về các cuộc thi kiểu này suốt, năm nào cũng vài kỳ thi Toán, thi tiếng Anh, kỹ thuật gì đó tôi không nhớ nổi tên. Hồi mới có "cậu cả" đi học, gia đình còn chịu khó cho bé tham gia thi nọ kia.
Nhưng sau một thời gian, thấy nhiều cuộc thi quá mà không rõ giá trị thi để làm gì, thi để được gì ngoài những quảng cáo "rất kêu" của ban tổ chức, chúng tôi cũng thôi không bắt con thi nữa. Cũng may ở trường con học, các cô giáo không bắt ép, không gây áp lực để học sinh tham gia".
Còn chị L.T.M (Hà Nội) cho biết khoảng tháng 11 năm ngoái, cậu con trai lớp 3 về bảo mẹ đóng 300 nghìn đồng để "con đi thi toán quốc tế". Hỏi kỹ hơn, chị được cô giáo chủ nhiệm cho biết đây là kỳ thi toán quốc tế, con chị có khả năng nên tham gia.
"Nghe cô nói, ban đầu chúng tôi cũng khá phấn khởi, nhưng tìm hiểu thêm và khi đọc thể lệ cuộc thi, quả thực ngỡ ngàng.
Kỳ thi Tìm kiếm Tài năng Toán học Quốc tế này do một công ty cổ phần đứng ra tổ chức, cơ cấu giải thưởng lại dựa trên số lượng thí sinh tham dự, với tỉ lệ thí sinh đoạt giải ở vòng 1 lên đến 70% ở vòng 1 và 80% ở vòng 2. Đặc biệt, vòng 2 tổ chức thi ở nước ngoài, kinh phí phụ huynh tự chịu, theo các phụ huynh đã có con thi năm trước kể lại con số này là hàng chục triệu đồng. Thấy không ổn, tôi bảo con thôi khỏi tham gia".
Là một phụ huynh kỳ cựu, có 2 con đang học lớp 8 và lớp 11, anh Hoàng Minh cho biết hơn chục năm qua nuôi con ăn học, anh đã tiếp cận và nghe tên hàng chục cuộc thi ở 3 cấp học.
"Có một số cuộc thi đúng nghĩa sân chơi, miễn phí tham dự hay được Bộ GD-ĐT công bố danh mục cụ thể. Đa phần các cuộc thi còn lại có điểm chung là lệ phí từ 300-500, do các công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tổ chức. Càng vào vòng trong chi phí thi phụ huynh phải đóng sẽ càng nhiều. Nhưng điểm đặc biệt của các cuộc thi này là tỉ lệ thí sinh đoạt giải rất cao".
Anh Hoàng Minh nhận xét: "Điều này rất được lòng phụ huynh vì ai chẳng muốn con có giải khi đi thi. Tôi biết nhiều phụ huynh có quan niệm "tích lũy" giải thưởng và các hoạt động ngoại khóa để chuẩn bị dần hồ sơ du học cho con.
Do đó, có những bé học lực tốt được bố mẹ cho tham gia rất nhiều cuộc thi, chưa hết tiểu học đã có hàng chục huy chương thi cử các loại. Nhưng cũng có những bé học không quá xuất sắc, chăm chỉ luyện rồi đi thi cũng vẫn mang về huy chương, giải thưởng chính giải thưởng phụ đủ cả"...
Một cô giáo Tiếng Anh tiểu học chia sẻ hàng năm, với bộ môn này, cô phải tham gia ôn luyện cho học sinh khoảng 2 cuộc thi.
"Một cuộc là theo kế hoạch của phòng giáo dục đưa xuống, hiệu trưởng sẽ chỉ đạo bộ môn, bộ môn phân công cho giáo viên thực hiện. Đây là cuộc bắt buộc.
Còn một cuộc thi Tiếng Anh trên mạng, học sinh tự nguyện tham gia. Nói là tự nguyện nhưng trên thực tế, việc học sinh của mình có giải sẽ giúp giáo viên đưa vào bản nhận xét đánh giá hàng năm. Vì vậy, dù thực sự mất thời gian và mất công, nhưng thấy học sinh nào có khả năng, giáo viên chúng tôi cũng vận động bố mẹ để con dự thi và kèm thêm cho các em".
Nói thêm, cô giáo này cho biết không chỉ với tiếng Anh, các cô giáo Toán, tiếng Việt năm nào cũng miệt mài với việc "động viên" học sinh đi thi do yêu cầu đến từ nhiều cấp "dội xuống"...
Tỉnh yêu cầu bớt thi để học sinh được vui chơi
Cuối tháng 12/2023 vừa qua, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc công bố một báo cáo cho thấy qua rà soát, tính đến ngày 19/12/2023, có tổng số 48 cuộc thi được tổ chức, phát động hướng đến đối tượng học sinh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 5 cuộc thi do Bộ GD-ĐT chủ trì; 19 cuộc thi do các cơ quan, bộ ngành trung ương chủ trì; 7 cuộc thi do Sở GD-ĐT chủ trì và có 17 cuộc thi do các sở ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong tỉnh chủ trì.
Trong số 48 cuộc thi diễn ra năm 2023, có 5 cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức đó là: Hội khoẻ Phù Đổng (4 năm/lần), Hội thao Giáo dục Quốc phòng an ninh (2 năm/lần), Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (1 năm/lần), Học sinh giỏi quốc gia các môn văn hoá lớp 12 (1 lần/năm học), Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (1 lần/năm học).
7 cuộc thi cấp tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức trong năm 2023 đó là: Hội khoẻ Phù Đổng, Hội thao Giáo dục Quốc phòng an ninh, Thi Khoa học kỹ thuật dành học học sinh trung học (triển khai theo văn bản của Bộ GD-ĐT), Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (triển khai theo văn bản của Chính phủ và Bộ GD-ĐT), Học sinh giỏi các môn văn hoá lớp 9, Học sinh giỏi các môn văn hoá cấp THPT, Thi chọn đội tuyển học sinh giỏi dự thi quốc gia các môn văn hoá (Triển khai theo chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT).
36 cuộc thi còn lại do các bộ, sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của trung ương và địa phương phát động, triển khai đến học sinh phổ thông của tỉnh Vĩnh Phúc, chiếm tỷ lệ 75% tổng số cuộc thi được tổ chức. Ngoài ra còn nhiều cuộc thi trên mạng dành cho học sinh tham gia với tinh thần tự nguyện.
Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu: “Đối với các cuộc thi do các tổ chức, hội, hiệp hội… không có sự phối hợp chỉ đạo của Bộ GD-ĐT (Cuộc thi giải Toán và Vật lý trên mạng, cuộc thi tiếng Anh trên mạng, cuộc thi do các trung tâm chủ trì…), Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT, trường THPT và các cơ sở giáo dục căn cứ tính thiết thực và hiệu quả của cuộc thi để thông báo cho học sinh có thể tham gia trên tinh thần tự nguyện và theo nhu cầu thực tế của học sinh.
Không tổ chức đội tuyển, không tạo áp lực cho học sinh, đồng thời theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi; không thu kinh phí khi học sinh tham gia cuộc thi dưới mọi hình thức; không xét giải cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp toàn quốc; học sinh đạt giải các cuộc thi trên không thuộc đối tượng được thưởng theo qui định của Nghị quyết số 53/2017 của HĐND tỉnh; không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với giáo viên và đơn vị tham gia; không lấy kết quả thi của học sinh để xét tuyển sinh đầu cấp”.
Tới ngày 28/12/2023, UBND tỉnh này ban hành văn bản nêu rõ: “Xét nội dung văn bản ngày 22/12/2023 của Sở GD-ĐT về việc tổ chức các cuộc thi đối với học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đồng ý với đề nghị của Sở GD-ĐT để học sinh có thời gian được vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí, thể thao lành mạnh, giảm căng thẳng sau những giờ học, tăng cường sự giao tiếp, gắn kết với bạn bè, gia đình, giảm áp lực trong vấn đề thi cử.
Ngoài các cuộc thi theo chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, của HĐND, UBND tỉnh quy định, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố rà soát, giảm tối đa các cuộc thi đối với học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh; chỉ tổ chức các cuộc thi theo đúng quy định”.
Độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi email về Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn!
Bằng tâm huyết và trách nhiệm, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) đã giúp nhiều trẻ vị thành niên ngỗ ngược, lầm lỡ thay đổi nhận thức, sống hướng thiện.
Trong khuôn khổ CSR Day lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao tặng 230 xe lăn cho người khuyết tật và 630 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.
Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm. Việc này cũng cần được áp dụng cho tất cả các trường học trên toàn quốc.
"Trong trường học đâu chỉ có nhà giáo, chúng tôi - nhân viên văn thư, kế toán... cũng cống hiến, có khi một lúc phải kiêm vài nhiệm vụ, lương bèo bọt, không phụ cấp, nhưng lại bị 'quên' trong đề xuất miễn học phí của Bộ GD-ĐT", một độc giả bày tỏ.
Theo PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Đỗ Duy Hưng, nhiều học sinh có năng lực và khát vọng nhưng thiếu định hướng dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp, gây lãng phí.
Liên quan vụ cô giáo xin mua laptop, trong cuộc họp với lãnh đạo Trường Tiểu học Chương Dương, cô Trương Phương Hạnh lớn tiếng nói chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích cô.