Chưa kiểm soát được thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ
Các đại biểu trong buổi đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13 vào sáng 26/11 (Ảnh: ND) |
Tại buổi đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 13 về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ngày 26/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, phòng ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản lại nhằm khắc phục hậu quả gây ra trong tham nhũng.
“Phòng ngừa và thu hồi tài sản đóng vai trò quan trọng, là một chiến lược phòng chống tham nhũng của bất kỳ quốc gia nào” – Bộ trưởng Cường nói.
Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, bên cạnh đưa ra chế tài hình sự rất nghiêm khắc cũng quy định hình phạt bằng tiền, tịch thu tài sản liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng ở Việt Nam công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do tính phức tạp, đặc biệt trong thu hồi tài sản tham nhũng rất phức tạp, khó xử lý. Đây là khó khăn thách thức không chỉ ở những nước đang phát triển mà còn là một khó khăn với ngay các nước phát triển trên thế giới.
Ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng Cục chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ cho biết, theo khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh công bố năm 2014 thì điểm số “công khai, minh bạch” ở các địa phương đã tăng 3,4% và điểm số trách nhiệm giải trình với người dân tăng 1,19% so với năm trước.
Tuy nhiên theo ông Đạt, việc thực hiện phòng ngừa tham nhũng thời gian qua hiệu quả còn thấp, thiếu chủ động trong việc xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập nên ít phát hiện những trường hợp vi phạm, thanh toán tiền mặt còn phổ biến, chưa kiểm soát được thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ quyền hạn.
Qua thanh tra giải quyết tố cáo đã phát hiện vi phạm, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 144 vụ, phát hiện xử lý 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Bên cạnh đó Kiểm toán Nhà nước cũng ban hành 163 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài sản chính trên 13,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2014 các cơ quan tố tụng phát hiện, khởi tố mới 256/593 bị can tham nhũng, kết tội 673 tội phạm tham nhũng.
Ông Đạt chỉ rõ một số vụ án kinh tế tham nhũng lớn như vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, vụ Công ty cho thuê tài chính II, vụ Huỳnh Thị Huyền Như…được xét xử nghiêm minh, có tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên Cục trưởng Đạt cũng thẳng thắn nhìn nhận, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, đất đai, khoáng sản…vẫn còn phức tạp, gây thiệt hại lớn. Theo ông Đạt, nguyên nhân chủ yếu do việc rà soát, đánh giá khắc phục những sơ hở, bất cập trên một số lĩnh vực vẫn còn bất cập. Việc phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Ngược lại cơ chế bảo vệ khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng chưa đủ mạnh…
Mặc dù thu hồi tài sản tăng lên so với năm trước, nhưng theo ông Đạt kết quả mới chỉ đạt 22,3% so với giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng. “Việc nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục là những thách thức lớn đối với công tác PCTN của Việt Nam” – ông Đạt nói.