Chủ đầu tư om quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng có thể khởi tố hình sự
Vấn đề chậm bàn giao quỹ bảo trì 2% từ phía chủ đầu tư vẫn tồn tại ở nhiều chung cư của Hà Nội, gây bức xúc cho người dân.
Trong khi đó, các quy định xử phạt thậm chí cưỡng chế chủ đầu tư để trả lại tiền đều được quy định rõ. Thế nhưng việc thực thi dường như chưa có sự quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước.
Hàng loạt chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1270 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hoà Binh) - chủ đầu tư dự án chung cư Hòa Bình Green City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị. Theo đó, Công ty Hoà Binh bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng.
Ban quản trị nhà chung cư Hòa Bình Green City được UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định công nhận từ ngày 21/3/2019 tuy nhiên chủ đầu tư đến nay chưa bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị. Tổng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của 2 tòa A, B chung cư Hòa Bình Green City khoảng 41 tỷ đồng.
Chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng có thể bị khởi tố hình sự. (Ảnh minh họa) |
Tại Chung cư Athena Complex Xuân Phương, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, cứ mỗi lần một số thang máy hỏng lại xảy ra cảnh chen nhau sử dụng các thang còn lại. Tình trạng quá tải vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều đi làm về. Nhiều người do chờ quá lâu đành phải sử dụng thang bộ để trở về nhà.
"Quỹ bảo trì 2% chưa bàn giao cho cư dân dù ban quản trị đã thành lập được 1 năm rồi. Ảnh hưởng tới cư dân, tổn thất trang thiết bị chưa được sửa chữa vì giờ đâu có kinh phí mà sửa những hỏng hóc" - bà Lê Thị Trang, cư dân Chung cư Athena Xuân Phương nói.
UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản số 596 ngày 13/4/2020 yêu cầu Công ty TNHH phát triển và đô thị xây dựng 379 phải bàn giao toàn bộ quỹ bảo trì 2% cho Ban quản trị chung cư Athena Xuân Phương trước ngày 30/4/2020. Thế nhưng, tới nay người dân vẫn chưa nhận đủ số tiền phải bàn giao.
Bà Đỗ Thị Hằng, Trưởng ban Quản trị Chung cư Athena Complex Xuân Phương cho biết: “Về nguyên tắc sau khi Ban Quản trị thành lập được 7 ngày thì chủ đầu tư phải bàn giao tiền cho cư dân. UBND quận Nam Từ Liêm cũng ra tới 3 văn bản yêu cầu thực hiện bàn giao, nhưng CĐT cũng chẳng thực hiện”.
Cùng chung cảnh ngộ là cụm chung cư CT Vân Canh, do Công ty Cổ phần bất động sản AZ làm chủ đầu tư, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức. Hơn 4 năm nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.
Hà Nội thanh tra hàng loạt nhà chung cư
Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 407/QĐ-SXD ngày 19/5/2020 thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối tượng kiểm tra là UBND các quận, huyện, thị xã có nhà chung cư.
Theo kế hoạch, trong quý 2 năm 2020, Đoàn sẽ kiểm tra tại các quận, huyện: Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì. Trong quý 3 và quý 4 năm 2020, kiểm tra tại các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mê Linh, Đan Phượng, Quốc Oai.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng đã ký quyết định ban hành kế hoạch thanh tra năm 2020. Theo đó, trong năm nay, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng sẽ tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì tại hàng loạt dự án chung cư ở Hà Nội và TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Dũng, cư dân CT1 Vân Canh cho biết, người dân đang mong các cơ quan quản lý Nhà nước làm rõ việc chiếm dụng quỹ bảo trì của chủ đầu tư. Quỹ bảo trì không được giao cho ban quản trị sẽ khó trong vận hành toà nhà, ảnh hưởng đến đời sống cư dân
“Thông tư 02 của Bộ Xây dựng nêu rõ phải bàn giao sau khi thành lập được ban quản trị. Trong khi đó, tòa nhà này 30 tầng có khi chỉ 1 thang máy hoạt động do hỏng mà không có kinh phí sửa chữa, rất khó cho người dân sinh sống, đề nghị sớm bàn giao cho người dân” - ông Dũng nói.
Theo luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, trong trường hợp các Chủ đầu tư cố tình vi phạm bàn giao quỹ bảo trì thì UBND cấp tỉnh, thành phố phải ra quyết định cưỡng chế. Thực tế việc làm này khó thực hiện, bởi Chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước đã biết nhau từ khâu lập dự án tới khi hoàn thành. Do đó, việc xử phạt đang rơi vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Do đó, cần cơ quan độc lập để giám sát việc bàn giao quỹ thì mới có thể xử lý triệt để tình trạng này.
“Chủ đầu tư không được tiêu 1 đồng nào về quỹ bảo trì. Khi trả tiền phải đủ cả gốc lẫn lãi. Thế nên, có một số trường hợp quỹ bảo trì đủ điều kiện để trả nhưng không trả. Nó không chỉ đơn thuần là chiếm dụng vốn. Nếu chủ đầu tư sử dụng tiền này thì có dấu hiệu sử dụng tài sản trái phép. Vì tiền này là của người dân chứ không phải của chủ đầu tư. Hoàn toàn có thể khởi tố hình sự” - luật sư Trương Anh Tuấn nêu rõ.
Bỏ hẳn 2% phí bảo trì chung cư có tốt cho người mua nhà?
Bỏ hẳn quỹ bảo trì chung cư để giảm gánh nặng cho người mua nhà, triệt tiêu nạn trục lợi ăn theo quỹ bảo trì có phải là giải pháp tốt cho người mua nhà?
Theo vov.vn