Cho con về quê nghỉ hè: Cuộc cách mạng của phụ huynh thành thị?
Hãy cho trẻ về quê nghỉ hè |
Để trẻ hòa nhập với thiên nhiên
Một anh bạn làm bác sĩ, trong lúc trà dư tửu hậu, bảo, nghèo hay giàu đôi khi chỉ là một định nghĩa do chính con người đặt ra rồi tự ràng buộc mình vào đó. Có nhiều khi chúng ta không biết trân trọng những gì giá trị mình đang có mà lại luôn mơ ước đòi hỏi những thứ không thuộc về mình.
Ngược lại, có những thứ không có giá trị với người này nhưng lại là sự mong mỏi và niềm mơ ước của những người khác. Để rồi có thể hy sinh những thứ vô giá như sức khỏe, hạnh phúc gia đình đổi lấy những vật chất hào nhoáng bề ngoài.
Chính vì thế với anh, giàu hay nghèo còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá của mỗi người. Và anh quan niệm, hãy giành cho con sự giàu có về tâm hồn, ấy mới là điều các bậc phụ huynh nên làm. Vì thế mỗi khi có cơ hội là anh lại cho con hòa nhập với thiên nhiên, và về quê là việc anh hay làm thường xuyên nhất với các con.
“Dù rất chăm chỉ về quê, nhưng vợ tôi chỉ đồng ý cho con về 1 – 2 ngày dưới sự bảo bọc của cô ấy. Những chuyến về quê ấy cô ấy chuẩn bị tất cả mọi thứ từ cái tăm cho đến can nước, thậm chí cuộn giấy vệ sinh đều mang từ thành phố về. Nhiều lần tôi ngỏ ý cho con ở lại quê ít ngày nhưng cô ấy không đồng ý. Cô ấy sợ, con học thói ăn ở mất vệ sinh của mấy anh chị con nhà bác. Cô ấy sợ cơm quê cứng, thức ăn không nhiều, chế biến không ngon con không ăn được. Cô ấy sợ con buồn khi không máy tính, không truyền hình cáp và càng không điều hòa…” – vị bác sĩ này cho biết.
Một hôm, cu con nói với mẹ: Chị Giang nhà bác Hương sướng thật. Này nhé, nhà chị ấy có cả đàn chó, trong khi nhà mình chả có con nào. Nhà mình năm thì mười họa mẹ mới cho con đến bể bơi, còn chị ấy chiều nào cũng bác Hương đưa ra sông tắm. Nhà chị ấy rộng thênh thang, ngoài vườn nhà chị có bao nhiêu là quả ăn được thì nhà mình chỉ vỏn vẹn trong bốn bức tường… Chị ấy chỉ phải học một buổi còn con suốt ngày đi học".
Vợ vị bác sĩ giật mình nhìn lại. Ừ nhỉ, cô cháu con chị chồng bằng tuổi con mình học ở quê nhưng năm nào vẫn đứng đầu lớp. Những bài toán khó ở thành phố con chị mang về cháu vẫn giải được. Thậm chí đọc văn của cháu chị mới thấy hết ngôn từ của cháu phong phú đến nhường nào. Từ bài văn tả cơn mưa, tả mùa thu, mùa hạ hay kể về người thân trong gia đình cháu đều dùng từ rất chính xác. Đó là điều mà con chị không có được.
Chị còn nhớ, hồi học lớp 5 trong bài tập làm văn yêu cầu tả vật nuôi trong nhà, con chị tả đàn gà nhưng con nào cũng có tai, đuôi ngoáy tít… (do cháu nhầm với lợn). Rồi có hôm về quê, bố chỉ đàn bò đang khoan thai gặm cỏ hỏi cháu con gì kia thì thằng bé dõng dạc tuyên bố - đàn lợn.
“Cuối cùng thì cô ấy cũng nhận ra, từ hè năm ngoái cô ấy quyết định nghỉ hè là mang con về quê gửi bác 1 tháng. Hè này, dù chưa kết thúc năm học nhưng đã thấy cô ấy bắt đầu chuẩn bị đồ đạc, lên kế hoạch cho con về quê” – vị bác sĩ cười nói.
Đừng biến quê thành “nhà trẻ”
TS tâm lý Nguyễn Nguyễn Kim Quý (cố vấn chuyên môn Văn phòng Tư vấn và Trị liệu Tâm lý trẻ em, Hội khoa học Tâm lý giáo dục) cho rằng, cho trẻ về quê là một trải nghiệm cực kỳ thú vị. Việc làm này giúp trẻ gắn bó với quê hương, hướng trẻ trở về với nguồn cội, cho trẻ thấy được những người quanh mình sống như thế nào.
Ở đó, trẻ sẽ được tận mắt thậm chí sờ bằng tay để biết cây lúa, cây ngô, cây khoai, cây sắn; biết lợn, gà, chó mèo, trâu bò…- đây là những điều mà trẻ thành phố chỉ được nhìn thấy qua tranh ảnh, sách vở.
Theo TS Quý thì việc cho trẻ về quê cũng cần có thời gian đủ dài vì nếu bố mẹ chỉ cho con về quê theo kiểu chớp nhoáng sáng đi chiều về thì sẽ không có tác dụng gì nhiều. Thay vào đó bố mẹ nên cho con ở lại ít nhất 3- 4 ngày. Thậm chí năm bữa nửa tháng nếu có điều kiện.
Tuy nhiên việc để trẻ ở lại quê quá lâu mà không có kế hoạch cụ thể sẽ khiến trẻ dễ nhàm chán, điều này khiến chúng sẽ không thích về quê. Nguyên nhân là do bản tính của trẻ ưa khám phá, chinh phục. Nếu trẻ chán về quê thì đó là dấu hiệu ở quê không còn điều gì mới mẻ cho các em tìm hiểu nữa.
Hoặc cũng có trường hợp bố mẹ cứ nghĩ chỉ cần nhét cho túi quần áo, đưa cho ông bà, cô dì chú bác ít tiền là xong mà không hề dặn dò ông bà, người thân tổ chức cuộc sống, vui chơi cho con trẻ như thế nào ngoài việc ăn và ngủ thì rõ ràng, với trẻ việc về quê chả khác gì trường thứ hai nhốt chúng lại.
TS Quý cho rằng, trong trường hợp này, trước khi để con ở lại bố mẹ cần kể cho chúng nghe về những kỷ niệm, những việc làm của mình thời nhỏ. Từ đó vẽ cho chúng thấy cái thú vị đằng sau những việc làm ấy. Sau đó, cần có sự phối hợp với người thân ở quê vạch ra thời gian biểu cụ thể mỗi ngày cho trẻ.
Theo đó bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt như: quét nhà, cho gà ăn vào buổi sáng sớm, ra vườn hái rau buổi trưa, buổi chiều có thể cho đi thả diều… Khi trẻ dần quen với cuộc sống nơi thôn dã có thể cho trẻ theo người lớn ra đồng, cho đi chăn vịt, chăn trâu cùng với các anh chị hoặc chiều về có thể cho đi tắm sông.
“Trẻ chính là bản sao của bố mẹ, vì thế hãy vẽ cho trẻ về một miền quê ở đó có không gian sống trong lành với những trò chơi thú vị. Đừng nhồi vào đầu trẻ ở quê là bẩn, là lạc hậu là nhàm chán thì ắt hẳn trẻ sẽ hòa mình và cảm nhận được với cuộc sống dân quê, khi ấy vốn sống của trẻ sẽ được lấp đầy. Muốn làm được điều này, các bà mẹ hãy làm gương, đừng trốn tránh mà hãy thường xuyên cho con về quê, nhất là quê nội”- TS Quý nhấn mạnh.