Cho con tiêu tiền: "Dạy khôn" hay "làm hư" đứa trẻ?
Tiền tiêu vặt... tiêu thả phanh
Bà Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, cán bộ dự án Giáo dục Tài chính của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (Save the Children) cho biết, hiện một bộ phận thanh thiếu niên chưa hiểu được giá trị sức lao động, thiếu cân nhắc khi chi tiêu. Nhiều em không có kỹ năng quản lý tiền bạc một cách hiểu quả cũng như chưa được cha mẹ quan tâm, hướng dẫn đúng cách trong việc này.
Theo một nghiên cứu của Save the Children với 300 học sinh tại Hải Phòng, có tới 86% cha mẹ có cho con tiền tiêu vặt và gần một nửa cho con tiền tiêu vặt hàng ngày. Có tới 68% các em khi được hỏi cho biết, chi tiêu không hề có kế hoạch, và nếu hết tiền thì xin thêm bố mẹ. Và có đến 34% trong số này cho rằng số tiền của cha mẹ cho các em là không đủ cho chi tiêu.
Ngoài ra, nghiên cứu của tổ chức cũng chỉ ra rằng, 77,7% trong số này cảm thấy khó khăn khi cần một khoản tiền cần cho chi tiêu đột xuất. Khi được hỏi về việc đã từng lập bảng ngân sách chi tiêu cá nhân, thì có đến 79% số học sinh được hỏi chưa từng lập.
Theo bà Khánh Tiên, đa phần các em chi tiêu cho nhu cầu cá nhân gặp gỡ bạn bè như ăn uống, đi chơi, xem phim, mua đồ chơi, quần áo, mua truyện và những món đồ mình thích. Một số em có mục tiêu tiết kiệm để mua những món đồ đắt tiền như xe máy hoặc ống kính máy ảnh… Có rất ít các em có ý thức rằng tiết kiệm để mua sách vở, phụ giúp bố mẹ khi cần và để sử dụng khi có việc đột xuất.
Không chỉ học sinh, mà nhóm đối tượng sinh viên cũng đang gặp khó khăn khi cần một khoản tiền lớn đột xuất.
Theo nghiên cứu của Save the Children trên 120 sinh viên của 4 trường ĐH, CĐ tại Cần Thơ mới đây, có tới 86% lúng túng khi gặp hoàn cảnh này. Ngoài ra 97,9% trong 120 sinh viên này cho biết vẫn nhận tiền hàng tháng từ cha mẹ, và chỉ 31,6% sinh viên đi làm để kiếm thêm thu nhập. Và hơn một nửa vẫn chỉ trông đợi từ mượn tiền cha mẹ và người thân, số dùng đến khoản tiền do mình tự tiết kiệm chỉ đạt 31%.
Phụ huynh “lóng ngóng”
Cũng dựa vào những nghiên cứu này, bà Tiên nêu lên thực trạng có tới 43% cha mẹ chưa bao giờ thảo luận với con về quản lý chi tiêu và các vấn đề khác liên quan đến tiền. Nhiều phụ huynh không biết nên làm như thế nào hoặc đã thực hiện nhưng không biết đã đúng chưa trong việc dạy con cách sử dụng tiền. Dù trong một cuộc phỏng vấn sâu với nhiều phụ huynh ở TP HCM, thì 100% phụ huynh đều cho rằng việc giáo dục cho con biết về giá trị đồng tiền, biết quí công sức, hiểu những vất vả của cha mẹ trong việc kiếm tiền,… là rất cần thiết. Và tới 75% trong số cha mẹ được hỏi cho biết nên bắt đầu giáo dục cho trẻ những nội dung trên khi trẻ bắt đầu cấp 2 (11-12 tuổi).
Đại diện phòng công tác học sinh sinh viên Sở GDĐT Hải Phòng đề xuất: “Hiện, chưa sắp xếp được hoạt động dạy giáo dục tài chính đại trà, nếu như Bộ GDĐT có hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, cắt bớt việc học các kiến thức hàn lâm để tăng giáo dục kỹ năng sống thì tôi nghĩ sẽ thuận lợi cho việc đưa môn học này vào. Ngoài ra, chương trình học phổ thông còn có 4 tiết học ngoài giờ lên lớp trong một tuần các trường cũng có thể vận dụng một cách hài hòa. Giờ chào cờ cùng có thể làm được khi tập trung học sinh”.
Bàn về biện pháp, Cô Ngọc Anh (THPT An Dương, TP Hải Phòng) chia sẻ: “Tôi đã thử lồng ghép nội dung giáo dục tài chính và tiết học giáo dục công dân thì thấy các em rất say sưa, sôi nổi. Không phải là tất cả nhưng đã có một số các em đã tự đặt ra kế hoạch chi tiêu cho mình. Đa số học sinh sau khi học các nội dung này, thì qua trao đổi các em đã có định hướng rõ hơn về việc tiết kiệm tiền”.
Em Phạm Thúy Hạnh, trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cho biết, sau khi học giáo dục tài chính em hiểu được về nhu cầu và mong muốn. Em dùng tiền vào những nhu cầu hơn là mong muốn, hạn chế tiêu tiền vào những thứ không cần thiết. Khi bố mẹ cảm thấy tin tưởng vào cách nhìn nhận của mình thì sẽ cho em tiền tiêu vặt một cách hợp lý nhất. Vì em cũng từng biết có nhiều bạn được bố mẹ nuông chiều đã sa đà, hư hỏng, đặc biệt là các bạn nam hầu như tích tiền bố mẹ cho tiêu vặt để chơi điện tử.