Chỉnh sửa điểm thi bị thôi học: Quy hết hậu quả lên thí sinh là không đúng!
Mới đây, chia sẻ với báo chí, ông Trần Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, nếu bài thi của thí sinh có đủ bằng chứng gian lận sẽ bị hủy kết quả thi.
Bị hủy bài, thí sinh sẽ không đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT. Điều 6 của Quy chế tuyển sinh quy định, thí sinh chưa được công nhận tốt nghiệp sẽ không đủ điều kiện để tham gia tuyển sinh.
Do đó, dù đã nhập học nhưng nếu kết luận bài thi của thí sinh có gian lận, em đó sẽ bị buộc thôi học.
PGS.TS. Đoàn Văn Điều - Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết: "Trách nhiệm của các thí sinh chỉ được tính từ lúc vào phòng thi cho đến lúc nộp bài thi, trong khoảng thời gian trên không ai phát hiện có hành vi gian lận thì các em đã hoàn thành kỳ thi một cách nghiêm túc.
Ở đây, đến khâu chấm thi là thuộc trách nhiệm của người chấm thi, người giám sát việc chấm thi, mà quay lại quy hết hậu quả lên vai thí sinh là không đúng.
Nếu nói có người sửa điểm bài thi của các thí sinh trên thì phải có bằng chứng, các thí sinh có trực tiếp làm việc với người nâng điểm không, đưa tiền, điện thoại hay viết thư nhờ vả hay không?.
Còn nếu người nhà của các thí sinh làm việc với người nâng điểm thì bằng chứng đâu, khi kết tội bất kỳ ai đều phải có bằng chứng, chứng cứ cụ thể. Và ở trường hợp này thì phải quy trách nhiệm người trực tiếp nhờ vả là bố mẹ các em chứ không phải là các em, ai làm người đó phải chịu.
Hơn nữa, phải quy trách nhiệm người quản lý đã quá lỏng lẻo, yếu kém nên để cho họ tận dụng để sai phạm, chứ không phải thí sinh, vì thí sinh chỉ có trách nhiệm đến lúc nộp bài thi".
Bên cạnh đó, theo ông Điều, trong trường hợp không tìm thấy bằng chứng gian lận, mà bắt các em buộc thôi học là không đúng. Các em vẫn được nhập học bình thường.
Còn nếu phát hiện được có dấu hiệu gian lận trong bài thi, thì cần làm rõ ai chỉnh sửa, ai nhờ chỉnh sửa, điểm thi gốc là bao nhiêu, giảm bao nhiêu. Chỉ khi nào làm được rõ ràng mọi thông tin như vậy thì các trường Đại học mới có điểm thật để so với điểm chuẩn tuyển sinh, khi đó mới áp dụng được quy chế tuyển sinh.
"Tôi khẳng định lại, khi chưa có bằng chứng rõ ràng về việc có chỉnh sửa điểm của các thí sinh thì không được phép quy tội sang cho các thí sinh.
Như Sơn La, Hòa Bình hiện nay dù đã huy động máy móc thiết bị hiện đại để lấy lại bài thi gốc vẫn chưa có kết quả và khi chưa có thì không thể xử lý", ông Điều nhận định.
Không thể áp dụng quy chế tuyển sinh THPT khi chưa có bằng chứng chứng minh sai phạm. Ảnh minh họa |
Không bằng chứng không xử lý được
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đã có Quy chế thi THPT quốc gia, nên cứ theo quy chế mà thực hiện, xử lý.
"Cụ thể, theo quy chế thì đối với các sinh viên đã và đang học tại các trường Đại học mà bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia thì cũng sẽ bị xử lí theo quy định và pháp luật hiện hành.
Hình thức cao nhất là buộc thôi học và có thể bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức.
Nhưng quy chế trên chỉ được áp dụng khi phát hiện được vi phạm, có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng. Nếu không chứng minh được có gian lận thì không được đưa ra bất cứ hình thức xử lý nào.
Và khi chưa có đầy đủ bằng chứng kết luận có vi phạm, thì thí sinh vẫn phải được xét tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký, nếu không xét tuyển là sai quy chế", ông Nhĩ cho biết thêm.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT việc phát hiện dấu hiệu gian lận trong trường hợp như Sơn La cũng rất khó chứ không dễ dàng, mà khó vào thời điểm này thì cũng đành chịu, chứ không thể "cố đấm ăn xôi".
Câu chuyện này cũng không khác gì câu chuyện phát hiện tham nhũng, dù biết có tồn tại nhưng không có bằng chứng nên cũng không xử lý được.
Theo Dân việt