Chính sách đối ngoại của Nga - Thổ có thể xảy ra xung đột mới?
Mới đây, trong báo cáo mang tên “10 cuộc xung đột cần đề phòng vào năm 2021” của Foreign Policy cho rằng, cùng với những thứ khác, những mâu thuẫn sẽ gây rắc rối cho Moscow và Ankara.
Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không xảy ra chiến tranh, nhưng họ thường ủng hộ các phe đối lập trong các cuộc xung đột khác nhau, cả ở Syria và Libya, hoặc hội tụ trong một cuộc tranh giành quyền lực ở Kavkaz.
Foreign Policy nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự của Nga vào năm 2015, cũng như việc hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị tiêu diệt vào năm 2020 do hậu quả của các cuộc không kích của quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn cho thấy nguy cơ xảy ra đối đầu bất ngờ là rất cao.
Chính sách đối ngoại của Nga - Thổ Nhĩ Kỳ có thể xảy ra xung đột mới? (Ảnh: Izvestia) |
Mặc dù, như báo cáo lưu ý, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cho đến nay đã chứng minh khả năng đối phó với những vụ việc như vậy, “bất kỳ cuộc cãi vã nào cũng có thể làm trầm trọng thêm xung đột mà cả hai nhà lãnh đạo đều trực tiếp tham gia”.
Những mâu thuẫn trong quan hệ giữa Ankara và Moscow thể hiện rõ nhất ở Syria. Nhưng ở Libya, họ cũng đại diện cho những mặt trái ngược nhau. Các nhà thầu Nga hỗ trợ quân đội của Tướng Khalifa Haftar, và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ chính phủ ở Tripoli.
Trong khi đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tham gia vào cuộc chiến gần đây ở Nagorno-Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ Azerbaijan về ngoại giao và quân sự. Trong khi Nga có một liên minh quân sự với Armenia, nhưng rất may các bên đã có được sự lựa chọn rõ ràng về việc theo phe nào, và cuối cùng đã đạt được một lệnh ngừng bắn chấm dứt chiến tranh.
Bất chấp tất cả các cuộc đối đầu ở Kavkaz cả hai quyền lực lần này đều thắng, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình và gia tăng đáng kể ảnh hưởng của mình trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của Azerbaijan và sẽ được hưởng lợi từ hành lang thương mại qua Armenia và Azerbaijan được thiết lập bởi thỏa thuận ngừng bắn.
Tuy nhiên, một điều nghịch lý là bản báo cáo cho hay, mặc dù Moscow và Ankara đang “hiện diện” ngày càng nhiều trên các chiến trường, nhưng quan hệ song phương lại bền chặt hơn bao giờ hết.
Bằng cách ký kết các thỏa thuận song phương trong các khu vực xung đột khác nhau, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều thấy tiềm năng mang lại lợi ích cho chính nhau. Tuy nhiên, những kết nối như vậy không thể được gọi là “ổn định”. Quan hệ nguội lạnh có thể tạo ra nhiều vấn đề cho cả hai nước đồng thời trên một số mặt.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hợp tác quân sự giữa Moscow và Ankara sẽ không bị cản trở vì lệnh cấm vận của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Hôm 29/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có chuyến thăm Nga và hội đàm với ông Lavrov tại thành phố Sochi. Trong buổi họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Chúng tôi xác nhận ý định phát triển mối quan hệ quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Lavrov cho biết thêm Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc “tiếp tục hợp tác bất kể sức ép bất hợp pháp từ Washington”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Cavusoglu nói các lệnh cấm vận từ Mỹ là “hành động xâm lược chống lại quyền chủ quyền của đất nước chúng tôi”. Ông Cavusoglu đồng thời nhấn mạnh Ankara sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào.
“Chúng tôi muốn giải quyết tất cả vấn đề, bao gồm S-400, thông qua đàm phán. Sau khi áp đặt lệnh cấm vận, Mỹ tuyên bố ủng hộ đối thoại. Chúng tôi chưa bao giờ phản đối đối thoại”, ông Cavusoglu nói.
Chi phí cho lễ nhậm chức tổng thống Mỹ là bao nhiêu?
Chỉ còn vài tuần nữa, lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ diễn ra. Sự kiện lớn này là biểu tượng chuyển giao quyền lực tổng thống một cách hòa bình tuy nhiên nó khá tốn kém.
Thanh Bình (lược dịch)