Các chuyên gia dự đoán những rủi ro toàn cầu năm 2021
Mới đây, các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại New York đã dự đoán về những rủi ro mà thế giới sẽ phải đối mặt vào năm 2021.
Cụ thể, vấn đề “Nước Mỹ bị chia rẽ” đứng đầu danh sách do các cuộc bầu cử tổng thống trong nước vừa qua đang gây tranh vãi. Theo các chuyên gia, với việc ông Joe Biden lên nắm quyền ở Mỹ, một kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu trong đó khoảng một nửa dân số của nước này sẽ coi mọi nguyên thủ quốc gia là “bất hợp pháp”. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình địa chính trị trên toàn thế giới và dẫn đến suy thoái.
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. (Ảnh: AP) |
Xếp vị trí thứ hai được các chuyên gia dự đoán là việc “đại dịch Covid-19 kéo dài”. Các nhà phân tích lưu ý rằng trong bối cảnh tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sẽ có sự phân tầng xã hội thành giàu nghèo thậm chí còn lớn hơn, từ đó dẫn đến bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia.
Ngoài ra, hậu quả của đại dịch sẽ là cắt giảm việc làm, mất niềm tin vào chính phủ và gia tăng nợ ở các nước đang phát triển.
Đứng cuối trong ba nhóm rủi ro hàng đầu là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, sẽ dẫn đến cạnh tranh quốc tế.
Cũng nằm trong danh sách các rủi ro toàn cầu năm 2021, cụ thể là căng thẳng ngày càng tăng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, các vấn đề của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, việc bà Angela Merkel rời khỏi cương vị Thủ tướng Đức, cũng như sự suy thoái của các nền kinh tế Trung Đông do giá dầu.
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận 86.102.071 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.860.427 trường hợp tử vong và 61.054.379 bệnh nhân bình phục.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19 với 21.113.528 ca nhiễm, trong đó có 360.078 ca tử vong, tiếp đó là Ấn Độ (10.341.291 ca nhiễm) và Brazil (7.733.746 ca nhiễm). Nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục siết chặt các biện pháp chống dịch, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng vọt.
Thời gian gần đây khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Nga đã khởi động chiến dịch tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 quy mô lớn. Bất chấp các nỗ lực đẩy nhanh tiến trình điều chế và sản xuất vắc-xin, chỉ một phần nhu cầu của thế giới được đáp ứng.
Các nước nghèo và những nước chậm phát triển vẫn khó có đủ vắc-xin nếu không được hỗ trợ. Hơn nữa, đang có rất nhiều lo ngại về việc xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh, Nam Phi và Nigieria. Sự xuất hiện các biến chủng này khiến cuộc chiến chống dịch bệnh ngày càng nan giải và phức tạp hơn.
Mới đây, trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Tiến bộ về vắc-xin giúp chúng ta có một bước tiến lớn, và giờ đây chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tuy nhiên, WHO quan ngại vì ngày càng nhiều ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 đã kết thúc”. Theo ông Ghebreyesus, cuộc chiến chống đại dịch sẽ là chặng đường dài và thành công phụ thuộc vào hành động của người dân và chính phủ các nước.
Chi phí cho lễ nhậm chức tổng thống Mỹ là bao nhiêu?
Chỉ còn vài tuần nữa, lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ diễn ra. Sự kiện lớn này là biểu tượng chuyển giao quyền lực tổng thống một cách hòa bình tuy nhiên nó khá tốn kém.
Thanh Bình (lược dịch)