Chính phủ quy định 3 cấp độ an ninh hàng hải
Nghị định số 170/NĐ-CP áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác các loại tàu biển, giàn di động, cơ sở cảng, bao gồm: Tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài hoạt động tại các vùng biển Việt Nam và vùng nước cảng biển (sau đây gọi chung là tàu biển), bao gồm: Tàu chở khách; tàu chở hàng có tổng dung tích từ 500 trở lên (1); Giàn di động hoạt động trên tuyến quốc tế (2) và cơ sở cảng tiếp nhận các loại tàu biển quy định tại khoản (1) và giàn di động quy định tại khoản (2).
Ảnh minh họa |
Nghị định 170/NĐ-CP quy định rõ, cấp độ an ninh hàng hải được phân chia thành 03 cấp, gồm:
Cấp độ 1: Là cấp độ thông thường, yêu cầu áp dụng các biện pháp an ninh tối thiểu trong Điều kiện hoạt động bình thường của tàu biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
Cấp độ 2: Là cấp độ cao, yêu cầu áp dụng các biện pháp an ninh cao hơn trong thời gian có nguy cơ cao về sự cố an ninh đối với tàu biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
Cấp độ 3: Là cấp độ đặc biệt, yêu cầu áp dụng các biện pháp an ninh đặc biệt trong thời gian có thể hoặc sắp xảy ra sự cố an ninh đối với tàu biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
Theo đó, cấp độ 1 được duy trì thường xuyên trên các tàu biển Việt Nam, giàn di động và tại các cơ sở cảng Việt Nam.
Các cấp độ an ninh hàng hải có thể thay đổi theo thứ tự từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 và cấp độ 3 hoặc cũng có thể chuyển trực tiếp từ cấp độ 1 lên cấp độ 3, tùy theo Điều kiện, hoàn cảnh thực tế.
Cấp độ 3 chỉ áp dụng trong thời gian có thông tin đáng tin cậy, nhận biết rõ sự cố an ninh có thể hoặc sắp xảy ra đối với tàu biển, giàn di động hoặc cơ sở cảng.
Việc thay đổi cấp độ an ninh hàng hải phải được thực hiện theo công bố của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và được thông báo kịp thời cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp Luật.
Nghị định cũng quy định rõ quy trình tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin về cấp độ an ninh hàng hải như sau:
Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển có trách nhiệm thông báo về cấp độ, sự thay đổi về cấp độ an ninh hàng hải cho Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải (sau đây viết tắt là Trung tâm).
Ngay sau khi nhận được các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, Trung tâm phải chuyển tiếp các thông tin đó đến các tổ chức, cá nhân sau:
a) Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa;
b) Cán bộ an ninh của chủ tàu;
c) Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia có liên quan, đồng thời thông báo cho Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao (sau đây viết tắt là Cục Lãnh sự).
Trong trường hợp Trung tâm không thể liên lạc được với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu biển hoặc giàn di động mang cờ quốc tịch thì sẽ thông qua Cục Lãnh sự để thông báo cho các cơ quan có liên quan của quốc gia đó biết.
Xử lý ngay sau khi nhận được thông tin do Trung tâm truyền phát:
a) Các Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa phải thông báo cho cán bộ an ninh của cơ sở cảng và tàu biển, giàn di động dự kiến sẽ đến hoặc đang hoạt động tại cơ sở cảng thuộc khu vực quản lý, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc Công an cửa khẩu cảng;
b) Cán bộ an ninh của chủ tàu phải thông báo cho sĩ quan an ninh tàu biển do mình quản lý biết để áp dụng cấp độ an ninh hàng hải cho tàu biển, giàn di động.
Các tàu biển, giàn di động và cơ sở cảng phải triển khai kế hoạch an ninh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về vấn đề tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải, Nghị định quy định rõ:
Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải có các nhiệm vụ:
Thứ nhất, tiếp nhận thông tin về cấp độ, thay đổi cấp độ an ninh hàng hải, thông tin an ninh hàng hải từ Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển và Bộ Công an để truyền phát đến tàu biển, giàn di động, cơ sở cảng và các cơ quan có liên quan khác của Việt Nam cũng như cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, khi được yêu cầu;
Thứ 2, tiếp nhận thông tin an ninh hàng hải từ tàu biển, giàn di động, cơ sở cảng hoặc từ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, hoặc từ tổ chức, cá nhân khác và thông báo kịp thời cho Bộ tư Lệnh Cảnh sát biển, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan khác của Việt Nam. Trường hợp tiếp nhận thông tin từ tàu biển, giàn di động mang cờ quốc tịch nước ngoài phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó;
Thứ 3, tiếp nhận thông tin an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển do hoạt động của tàu biển;
Thứ 4, thực hiện việc trao đổi thông tin liên quan đến an ninh hàng hải giữa Việt Nam với các tổ chức an ninh hàng hải quốc tế;
Thứ 5, tham gia diễn tập các tình huống sự cố an ninh hàng hải, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải với các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức phòng, chống khủng bố của nước ngoài theo quy định;
Thứ 6, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền và tổ chức có liên quan thực hiện các công việc khác liên quan đến thông tin an ninh hàng hải;
Thứ 7, thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, Nghị định quy định rõ, ngay sau khi nhận được thông tin “báo động an ninh” từ tàu biển, giàn di động hoặc yêu cầu hỗ trợ bảo đảm an ninh từ tàu biển, giàn di động đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, từ cảng dầu khí ngoài khơi hoặc từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu biển, giàn di động mang cờ quốc tịch, Trung tâm phải chuyển tiếp kịp thời đến Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển.
Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển phải xử lý ngay thông tin vừa nhận được và kịp thời thông báo cho Trung tâm các biện pháp an ninh phù hợp cần áp dụng đối với tàu biển, giàn di động đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, tàu biển đang hoạt động tại cảng dầu khí ngoài khơi để Trung tâm truyền phát những thông tin đó đến chủ tàu, chủ cơ sở cảng Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu biển, giàn di động mang cờ quốc tịch nếu có yêu cầu, đồng thời thông báo cho Cục Lãnh sự biết.
Trong trường hợp Trung tâm không thể liên lạc được với cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu biển, giàn di động mang cờ quốc tịch thì sẽ thông qua Cục Lãnh sự để thông báo cho các cơ quan có liên quan của quốc gia đó biết.
Ngay sau khi nhận được thông tin có khả năng ảnh hưởng đến an ninh cơ sở cảng trừ cảng dầu khí ngoài khơi, cơ sở cảng phải thông báo ngay cho cơ quan công an tại địa phương để kịp thời xử lý, đồng thời thông báo cho Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng hoặc Công an cửa khẩu cảng, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa tại khu vực và Trung tâm biết để kịp thời phối hợp xử lý.
Việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải giữa cán bộ an ninh của chủ tàu với chủ tàu, chủ cơ sở cảng và các cơ quan liên quan được thực hiện theo Kế hoạch an ninh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải giữa Trung tâm, Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan với các chủ cơ sở cảng, chủ tàu phải bảo đảm thông suốt 24/24 giờ trong ngày, kịp thời, chính xác, đúng quy định của pháp Luật về bảo mật, bằng các phương thức phù hợp (điện thoại, fax, email, bưu chính). Địa chỉ liên lạc thực hiện theo danh mục thông tin liên lạc an ninh hàng hải do Cục Hàng hải Việt Nam thông báo.
Trong quá trình triển khai thực hiện việc tiếp nhận, xử lý và truyền phát thông tin an ninh hàng hải, nếu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác thì hai bên có trách nhiệm chủ động trao đổi thống nhất và phối hợp thực hiện.
Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển và Bộ Công an thông báo cho Trung tâm và các cơ quan có liên quan (nếu có yêu cầu) biết kết quả xử lý thông tin an ninh hàng hải.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.