Chiến thắng mùa xuân năm 75, chiến thắng của tinh thần tình đoàn kết
“Nói đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là nói đến vai trò quyết định đòn đấu tranh quân sự của 5 cánh quân… nhưng rõ ràng sẽ là thiếu nếu không đề cập đến phong trào đấu tranh đô thị”, đại tá Trần Ngọc Long nói.
PGS. TS, đại tá Trần Ngọc Long |
Huy động sức mạnh tinh thần dân tộc
PGS. TS, đại tá Trần Ngọc Long – nguyên Viện phó Viện lịch sử quân sự cho biết, nhìn vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử phải đánh giá một cách toàn diện đặt trong tổng thể của một cuộc chiến tranh nhân dân.
Cuộc kháng chiến của chúng ta là cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa. Bắt nguồn từ tính chính nghĩa đấy, mọi đường hướng phương pháp cách mạng luôn luôn đặt đề cao yếu tố đấy… và chính từ yếu tố ấy mà cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta nói chung cũng như cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã huy động sức mạnh tổng hợp.
Trước hết là tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc ấy được thể hiện trong mỗi con người, có thể những người đó là cộng sản, có thể là đảng viên nhưng cũng có thể không phải là đảng viên, trong bộ phận nhân sĩ trí thức, trong những bộ phận thứ 3…nhưng cũng chưa hiểu nhiều về cộng sản, nhưng tại sao họ lại đứng về quần chúng đô thị vì họ có tinh thần dân tộc.
Cho nên xuyên suốt cuộc kháng chiến từ đầu cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ thể hiện một tinh thần hòa hợp dân tộc rất rõ.
Nguyên Viện phó Viện lịch sử quân sự nhắc lại lời của tướng Trần Văn Trà tiếp nội các của nguyên Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh sau một ngày đầu hàng. Tại buổi tiếp đấy, tướng Trần Văn Trà có nói một câu: "Giữa tôi với ông, chúng ta đều là người Việt Nam, giữa chúng ta không có kẻ thắng người thua mà ngày vui này chỉ có nhân dân Việt Nam thắng Mỹ".
“Câu nói toát lên tinh thần hòa hợp dân tộc rất lớn. Mà tinh thần hòa hợp có lẽ cũng xuất phát từ tinh thần dân tộc ấy mà mỗi người lính tiến vào Sài Gòn, xào huyệt cuối cùng của kẻ thù thì nhẽ ra theo lẽ thông thường sẽ tha hồ bắn phá. Mình là người chiến thắng mà, tâm lý phản xạ của người đang ở trên thế thắng…Nhưng không hề có chuyện đó xảy ra với quân giải phóng khi vào tiếp quản Sài Gòn- Gia Định. Trong họ vẫn có ý thức bảo vệ nguyên vẹn thành phố, cho nhân dân các đô thị.
Trong thời khắc cuối cùng ấy mặc dù nhận lệnh của Dương Văn Minh đầu hàng nhưng vẫn có nhiều phần tử quá khích, nhiều băng nhóm vẫn hung hăng chứ chưa hoàn toàn buông vũ khí. Đặc biệt là lực lượng Lôi hổ, lực lượng đặc biệt bảo vệ cho Dinh Độc lập và trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn vẫn có phản ứng quyết liệt cho nên máu của chiến sĩ vẫn đổ ở ngay cạnh bờ rào Dinh Độc Lập, ngay cạnh bờ tường Bộ Tổng tham mưu Nguỵ, ở ngay sân bay Tân Sơn Nhất… Dù có như vậy, các chiến sĩ giải phóng quân trong thời khắc ấy vẫn cố để tránh gây nên những đổ nát, đập phá không cần thiết.
Tức là hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, anh giải phóng quân vẫn thể hiện được tính nhân văn, mang tinh thần hòa hợp dân tộc rất lớn, đúng trên truyền thống của người Việt đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại”, đại tá Trần Ngọc Long nhấn mạnh.
Phong trào đấu tranh đô thị
Một lần nữa, đại tá Trần Ngọc Long nhắc lại, đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như cách mạng tháng 8 năm 1945 để lại thông điệp cho hậu thế: Tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tinh thần hòa hợp dân tộc, đây chính là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam.
“Lâu nay người ta vẫn thường nhắc đến vai trò của đòn tiến công quân sự 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn giành đại thắng mùa xuân năm 1975.
Điều đấy là đúng, tức là nói đến đại thắng là nói đến vai trò quyết định đòn đấu tranh quân sự của 5 cánh quân… nhưng rõ ràng sẽ là thiếu nếu không đề cập đến phong trào đấu tranh đô thị”, đại tá Trần Ngọc Long nói.
Ông phân tích thêm, không phải ngẫu nhiên mà từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đã đề ra phương châm "2 chân 3 mũi giáp công": chính trị, binh vận và quân sự… Chính đấu tranh chính trị cũng là thể hiện phương châm của Đảng đề ra ngay từ đầu.
Mà phong trào đô thị chính là nòng cốt của đấu tranh chính trị. “Điều rất lạ là phong trào đô thị quy tụ nhiều lực lượng tham gia, chứ không phải giai cấp công nông. Đó là công chức, học sinh sinh viên, rồi các tôn giáo thậm chí cả bộ phận phục vụ trong bộ máy chính quyền địch cũng tham gia. Đó là điều đặc biệt mà trên thế giới không có. Cho nên nhìn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến phải nhìn toàn cuộc, nhưng để kết thúc cuộc chiến là đòn tiến công quân sự mang vai trò quyết định”, đại tá Trần Ngọc Long nhấn mạnh.
Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, đất nước đang đổi mới từng ngày. Bài học được rút ra từ cuộc chiến (về huy động sức mạnh đại đoàn kết, về chớp thời cơ), theo đại tá Trần Ngọc Long vẫn còn nguyên giá trị. Cả hai bài học (huy động sức mạnh đại đoàn kết và nắm vững thời cơ) được Đảng và Chính phủ vận dụng vào công cuộc chống dịch Covid- 19 vừa rồi rất kịp thời, đúng đắn.
N. Huyền