Vì sao nhiều người Singapore thích tiêm mũi 3 vắc xin Trung Quốc?
Tiêm 2 mũi đầu vắc xin Covid-19 của Mỹ, nhiều người Singapore lại chọn tiêm mũi tăng cường Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất
Một số phòng khám tư nhân ở Singapore cho hay, nhu cầu tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 Sinovac và Sinopharm đang gia tăng, dù 2 mũi đầu họ tiêm vắc xin của Mỹ. Nguyên nhân là do nhiều người lo sợ các tác dụng phụ khi tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 sản xuất bằng công nghệ mRNA.
Trong khi đó, các loại vắc xin Covid-19 như Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất sử dụng công nghệ bất hoạt truyền thống. Còn vắc xin Covid-19 Pfizer-BioNTech và Moderna là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mới mRNA. Hay vắc xin AstraZeneca dùng công nghệ vector.
Nhiều người Singapore chọn tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 Sinovac và Sinopharm dù trước đó tiêm 2 mũi vắc xin của Mỹ. (Ảnh: Straits Times) |
Hiện tại, chính phủ Singapore khuyến cáo những người trên 50 tuổi nên tiêm thêm 1 mũi vắc xin Covid-19 tăng cường là Pfizer-BioNTech hoặc Moderna sau ít nhất 6 tháng tiêm đủ 2 mũi tiêu chuẩn. Mục đích là nhằm tăng cường lượng kháng thể để ngăn chặn nhiễm virus corona, cũng như nếu mắc Covid-19 sẽ ngăn bệnh diễn biến nặng và gây tử vong.
Hiện Uỷ ban Chuyên gia về tiêm chủng ngừa Covid-19 của Singapore vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về việc có nên tiêm lẫn vắc xin mũi tăng cường hay không.
Chia sẻ với Straits Times, Tiến sĩ Chua Guan Kiat, bác sĩ đa khoa tại Phòng khám và Phẫu thuật Chua ở Bukit Batok, cho hay “nhu cầu khá lớn” tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac và Sinopharm cho mũi tiêm tăng cường. Đối tượng tiêm là những người cao tuổi mà trước đó đã tiêm đủ liều vắc xin mRNA.
Kể từ khi phòng khám bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac vào ngày 23/9, bác sĩ Chua cho hay có khoảng 20 – 30 mũi tiêm được thực hiện mỗi ngày và nhu cầu tăng đều lên khi mà hiện hơn 50 người đặt lịch tiêm mũi thứ 3 vắc xin do Trung Quốc sản xuất.
Bác sĩ Chua nói thêm, lo sợ về những tác dụng phụ sau tiêm mũi 3 vắc xin mRNA là nguyên nhân chính khiến ngày càng đông người chọn tiêm vắc xin sử dụng công nghệ bất hoạt truyền thống như Sinovac.
Nhân viên xây dựng Gu Jiangang (42 tuổi) tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin Covid-19 Sinovac vào ngày 5/10 cho hay, ông không bị sốt hay sưng đau ở vị trí tiêm sau khi tiêm mũi thứ 2 vắc xin Moderna trong tháng Năm. Nhưng ông vẫn chọn Sinovac làm vắc xin Covid-19 tiêm mũi tăng cường.
Tương tự, một người đàn ông tên Loh (57 tuổi) cũng làm công nhân xây dựng đã chọn tiêm mũi thứ 3 là vắc xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất vào ngày 4/10, dù thực tế ông này nhận được giấy hẹn tiêm mũi 3 vắc xin Moderna. Trước đó, ông Loh đã tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer. Ông Loh cho rằng bản thân sẽ ít có khả năng gặp phải tác dụng phụ nếu chọn tiêm trộn vắc xin mũi thứ 3.
Bà Michelle Lim, Giám đốc điều hành của Royal Healthcare ở Novena, cho biết phòng khám của bà cũng đã tiêm gần 1.000 mũi tăng cường.
Theo bà Lim, một số công ty sản xuất, xây dựng và siêu thị đã sắp xếp lịch với phòng khám để nhân viên tới tiêm mũi tăng cường dùng vắc xin Covid-19 Sinopharm với hy vọng ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus corona tại nơi làm việc.
Cũng theo bà Lim, nhiều người chọn tiêm vắc xin Sinopharm vì họ từng gặp phản ứng phụ sau khi tiêm 2 mũi vắc xin mRN. Do đó, họ chọn tiêm vắc xin do Trung Quốc sản xuất với hy vọng tránh được tác dụng phụ. Nhưng không ít người nhận định tiêm vắc xin Sinopharm sẽ giúp sản sinh ra lượng kháng thể phòng bệnh cao hơn.
Bà Lim nhấn mạnh thêm, một lý do khác là Cục An toàn Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) không khuyến cáo tiêm mũi tăng cường vắc xin Pfizer cho người dưới 65 tuổi. Điều này khiến nhiều người chọn không tiêm các loại vắc xin sử dụng công nghệ mRN cho mũi thứ 3.
Tiến sĩ Leong Hoe Nam, bác sĩ chuyên ngành bệnh truyền nhiễm ở Rophi Clinic, cũng cho hay nhiều bệnh nhân của ông từng tiêm 2 mũi vắc xin Pfizer đã yêu cầu được tiêm mũi tăng cường vắc xin Sinopharm.
Một trong số bệnh nhân có ông Ho nay ngoài 60 tuổi. Ông Ho đã tiêm vắc xin Covid-19 Sinopharm sau khi tiêm đủ 2 mũi Pfizer.
Khi được hỏi vì sao chọn tiêm mũi 3 là vắc xin Sinopharm, ông Ho chia sẻ ông nghi ngại về những tác dụng phụ lâu dài của vắc xin mRNA mà tới nay chưa được làm rõ. Ngoài ra, sau khi tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer, ông đã trải qua cảm giác rất đau ở chỗ tiêm, nhưng chuyện này không xảy ra khi ông tiêm mũi tăng cường vắc xin Sinopharm.
Mũi 3 vắc xin Covid-19 có cần thiết?
Theo một nghiên cứu ở Trung Quốc, sau 6 tháng tiêm 2 mũi đầu, tiêm mũi 3 vắc xin Sinovac sẽ giúp tăng lượng kháng thể trung hòa nhằm bảo vệ tế bào khỏi mầm bệnh hoặc vi khuẩn,
Một nghiên cứu khác nhận định phản ứng của tế bào B và tế bào T gia tăng sau khi tiêm mũi 3 vắc xin Sinopharm. Trong đó, tế bào B sản sinh kháng nguyên ngăn chặn virus corona, còn tế bào T phá hủy các tế bào nhiễm bệnh.
Giáo sư David Allen, Phó Giám đốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho hay dựa trên dữ liệu sẵn có, mũi 3 vắc xin Sinovac giúp tăng nhẹ lượng kháng thể trung hòa sau 2 mũi tiêm cùng loại vắc xin. Do đó, tác dụng tương tự đươc kỳ vọng sẽ xảy ra với những người đã tiêm 2 mũi vắc xin đầu không phải là Sinovac.
“Song lựa chọn vắc xin Sinovac vẫn chưa thể sáng ngang với số lựa chọn tiêm mũi tăng cường bằng các vắc xin khác như vắc xin sử dụng công nghệ mRNA và vector”, ông Allen cho hay.
Còn Giáo sư Hsu Li Yang tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, hiện khoa học chưa hoàn toàn hiểu rõ liệu có cần tiêm thêm mũi tăng cường và nếu có thì khi nào là thời điểm tối ưu.
“Chúng ta cũng chưa biết chắc loại nào và khi nào là thích hợp nhất để tiêm mũi tăng cường. Nói chung, tất cả các loại vắc xin được sử dụng tiêm mũi tăng cường hiện đều an toàn và đều tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể”, ông Hsu nói.
Giáo sư Hsu nhấn mạnh thêm, “hiệu quả phòng bệnh của mũi 3 là bao lâu chúng ta chưa rõ, cũng như chưa hiểu hết nó có tăng đáng kể khả năng ngăn bệnh trở nặng và tử vong do nhiễm virus corona hay không”.
Gần 200.000 kit xét nghiệm nhanh Covid-19 cho kết quả dương tính giả bị thu hồi ở Mỹ
Gần 200.000 kit test nhanh kháng nguyên Covid-19 bị lỗi sản xuất và cho kết quả dương tính giả đang bị thu hồi ở Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)