Chiếc ghế tử thần: Hễ ai ngồi lên là chết, ẩn chứa đằng sau một bi kịch gia đình
Hầu hết những người từng ngồi lên chiếc ghế này đều chết bất đắc kỳ tử vì những lý do khác nhau, khiến người ta tin rằng nó đã bị nguyền rủa và cũng từ đó, nó được đặt cái tên "ghế của người chết."
Nếu bạn ghé thăm Bảo tàng Thirsk, thuộc thị trấn Thirsk, Bắc Yorkshire, nước Anh, bạn sẽ thấy một cảnh tượng khá kỳ lạ, đó là một chiếc ghế gỗ sồi được treo lên góc tường và giữ gìn cẩn thận, ngăn không cho bất cứ ai ngồi lên, thậm chí là chạm vào. Chiếc ghế này được đặt tên là "ghế của người chết".
Sở dĩ nó có cái tên như vậy là bởi rất nhiều người từng ngồi lên ghế đều chết vì những nguyên nhân khác nhau. Không những thế, đằng sau chiếc ghế còn là câu chuyện về một bi kịch gia đình.
Truyền thuyết kể rằng chủ nhân đầu tiên của chiếc ghế là Thomas Busby, một tên côn đồ, trộm cắp và nghiện rượu sống tại Bắc Yorkshire vào sau những năm 1600. Thomas đã kết hôn với Elizabeth, con gái của người đúc gốm sứ Daniel Awety. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không nhận được sự ủng hộ của ông Daniel bởi ông cho rằng Thomas là kẻ tồi tệ, không xứng với con gái mình. Cũng vì thế, mối quan hệ bố vợ - con rể không được hòa hợp.
Thomas đã bị xử tử vì tội giết hại bố vợ mình.
Một ngày, Thomas về nhà trong tình trạng say xỉn. Ông Daniel tức giận liền đe dọa sẽ đưa con gái về nhà. Thấy ông Daniel đang ngồi trên chiếc ghế gỗ sồi yêu thích của mình, Thomas giận sôi sùng sục, liền đi lấy một chiếc búa rồi đánh bố vợ đến chết, sau đó giấu xác ông trong rừng. Vài ngày sau, người dân nhận thấy sự mất tích của ông Daniel nên đổ xô đi tìm. Khi tìm thấy xác cũng là lúc Thomas bị bắt giữ với cáo buộc giết người.
Mùa hè năm 1702, Thomas bị kết án tử hình. Nhà trọ nơi hắn ta từng ở được đổi tên thành Busby Stoop Inn và trở thành một quán rượu nhưng được lưu giữ cho đến năm 2012 thì đóng cửa. Chính tại đó, những câu chuyện kỳ bí bắt đầu xảy ra.
Được biết, trên đường đi tới nơi hành quyết, Thomas nói rằng tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời là được ngồi trên chiếc ghế yêu thích để uống món đồ sở trường. Hắn đã được thực hiện tâm nguyện này nhưng trước khi rời đi, Thomas đã nguyền rủa rằng bất cứ ai ngồi trên chiếc ghế của hắn đều sẽ phải chết.
Chiếc ghế gỗ sồi mà Thomas đã nguyền rủa.
Người ta tin rằng linh hồn của Thomas đã ám ảnh chiếc ghế cũng như quán rượu. Món đồ nội thất tưởng chừng như vô hại này đã liên quan tới rất nhiều cái chết, ước tính con số lên tới hơn 60 trường hợp, mà không ai lý giải được tại sao.
Cái chết đầu tiên được báo cáo là vào năm 1894, khi một công nhân quét ống khói cùng người bạn của mình đã ngồi lên chiếc ghế này khi uống rượu. Tối hôm đó khi về nhà, anh ta quá say tới mức ngủ ngay mà không biết gì. Sáng hôm sau, người ta tìm thấy anh ta đã treo cổ tự tử. Ban đầu, cảnh sát cho rằng đây là một vụ tự tử nhưng đến tận năm 1914, một người bạn mới thừa nhận đã cướp đồ và giết anh ta.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quán rượu Busby Stoop Inn trở thành địa điểm quen thuộc với các phi công. Họ đã thử thách nhau ngồi trên chiếc ghế tử thần này vì tin rằng nó chỉ là một trò đùa, nhưng thực tế những người tham gia trò chơi đã không bao giờ quay trở lại.
Quán rượu Busby Stoop Inn.
Năm 1968, Tony Earnshaw tiếp quản quán rượu và tình cờ nghe thấy câu chuyện 2 phi công thử thách nhau ngồi lên chiếc ghế. Khi họ trở lại sân bay làm việc, máy bay đã trượt khỏi đường băng rồi đâm vào một cái cây. Cả 2 phi công đều qua đời trên đường tới bệnh viện.
Những năm đầu thập niên 1970, chiếc ghế này đã liên quan tới hàng loạt cái chết bí ẩn khác: một người phụ nữ được chẩn đoán u não, một người đàn ông chết vì đau tim, một người bị tai nạn xe máy nghiêm trọng, tất cả đều từng ngồi lên chiếc ghế.
Một nhóm công nhân xây dựng đã tới quán rượu và người trẻ nhất trong số họ đã ngồi lên chiếc ghế. Ngày hôm sau khi tới công trường, người này đã ngã từ mái nhà xuống nền bê tông phía dưới tử vong. Quá sợ hãi khi những sự kiện kì quái liên tiếp xảy ra, Tony Earnshaw đã quyết định cất kỹ chiếc ghế xuống hầm để không ai ngồi lên nó nữa. Tuy nhiên sau đó, một người giao bia đã đi vào tầng hầm và chẳng may ngã lên chiếc ghế. Chỉ một lúc sau, người này bị chiếc xe tải cán qua người.
Chiếc ghế được lưu giữ tại Bảo tàng Thirsk.
Nhận thấy sự nguy hiểm của chiếc ghế, vào năm 1978, Tony Earnshaw đã tặng nó cho Bảo tàng Thirsk. Tới năm 2012 thì quán rượu của anh cũng đóng cửa. Chiếc ghế được treo lên cao ở một góc bảo tàng để không có bất cứ ai ngồi lên nữa. Suốt hơn 40 năm qua, chiếc ghế vẫn được bảo tàng lưu giữ cẩn thận cùng với những truyền thuyết và lời đồn rùng mình.
Nhiều người đặt ra câu hỏi về chiếc ghế tử thần của Thomas, cho rằng những cái chết trên chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và người ta đã dựng lên những lời đồn nhằm thu hút sự quan tâm. Tuy nhiên, "chiếc ghế của người chết" vẫn là một câu chuyện đáng sợ được nhiều người lưu truyền mãi về sau với những bí ẩn không có lời giải đáp.
Khánh Hằng/Thời đại plus