Chia sẻ của 1 người tâm huyết với những nạn nhân bị mua bán
Trò chuyện với PV Infonet trong một ngày cuối năm bộn bề công việc, Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Giang – Chị Nguyễn Thị Kim Liên cho hay, chị tham gia công tác hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán từ năm 1996.
Công tác này theo chị Liên thì không những phải kiên trì mà cần thực sự tâm huyết, quan tâm đến nạn nhân bị mua bán, trò chuyện và coi họ như người thân trong gia đình. Bởi lẽ, không phải đến gặp họ lúc nào họ cũng nói chuyện với mình, hợp tác với mình mà phải đến nhiều lần, tốn nhiều công sức mới có thể thuyết phục được.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên (áo vàng), Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bắc Giang trao tiền trợ cấp cho các đối tượng là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về. (Ảnh: Chi Cục PCTNXH Bắc Giang) |
“Phải lựa chọn thời gian, địa điểm làm sao để có một môi trường an toàn cho các chị em nữa. Trong quá trình trò chuyện mình phải chia sẻ như một gia đình, tình cảm vì đây là lĩnh vực vô cùng tế nhị, trò chuyện thế nào để có thể khơi gợi để họ tự nói ra, không động đến nỗi đau của họ. Lĩnh vực này kinh phí thì hạn chế nên cần thực sự tâm huyết mới làm được”, chị Liên chia sẻ.
Ngoài ra, chị Liên cho rằng, công tác phối hợp là vô cùng quan trọng làm sao để tạo được sự đồng thuận của các ban ngành liên quan trong lĩnh vực hỗ trợ này, kể cả công an, phụ nữ, tư pháp, ngành thương binh xã hội, thậm chí cả y tế để hỗ trợ khám chữa bệnh cho chị em. Bởi lẽ, nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ nhau thì không giải quyết được việc gì. Thực tế đã có những tỉnh ngành lao động đổi cho ngành công an, ngành công an lại đổi cho ngành phụ nữ… như thế thì khi nạn nhân được tiếp cận rất khó.
“Sự phối hợp được đặt lên hàng đầu bên cạnh đó cũng cần sự đồng thuận của chính nạn nhân bởi quá trình hỗ trợ mà nạn nhân không đồng thuận thì không giải quyết được vấn đề gì. Vì thế, cán bộ hỗ trợ cần phải có tâm, được đào tạo bài bản về lĩnh vực này và thực sự có tâm huyết.
Làm sao tạo môi trường an toàn và cung cấp dịch vụ phù hợp với trình độ, năng lực của nạn nhân. Nếu đủ dịch vụ mà dịch vụ lại quá cao sang thì cũng không đáp ứng được với nạn nhân. Vì thế, các dịch vụ cũng cần phải đổi mới để phù hợp với nạn nhân”, chị Liên nói.
Chia sẻ thêm với PV Infonet về trườn hợp hỗ trợ nạn nhân mà chị ấn tượng nhất, chị Liên kể: Trường hợp có hai chị em ở Lục Ngạn bị người con nuôi của gia đình lừa bán.
Mẹ của hai em gần như bị điên vì điều đó, bán hết mọi thứ lấy tiền để đi tìm con. Khi chị đến gia đình tìm hiểu mới thấy gia đình rất nghèo, hai vợ chồng sống bằng nghề làm đậu phụ, vì muốn dốc lực tìm con nên họ đã bán cả đất đai đi.
“Khi chúng tôi đến tiếp cận để có ý giúp đỡ gia đình nhưng cả hai vợ chồng rất nghi ngờ, không biết đây có thực sự là cơ quan nhà nước đến hỗ trợ không. Bằng chính tình cảm của mình, coi họ như gia đình, như những đứa cháu của mình nên khi tôi ngồi tiếp cận thì vợ chồng anh chị đã kể hết mọi chuyện. Họ bị người con nuôi lừa bán hai con đẻ của mình nên rất suy sụp. Nhưng cũng rất may là hai cháu này đã được giải cứu kịp thời”, chị Liên kể lại.
Qua trò chuyện và biết được nguyện vọng của hai vợ chồng, nên chúng tôi đã hỗ trợ, giúp hai cháu có việc làm. Cháu lớn được đi học trang điểm cô dâu ở “Ngôi nhà bình yên” của Trung tâm phát triển phụ nữ và hiện đã có tay nghề, cháu cũng đã lập gia đình và sinh con.
Cháu thứ hai được hỗ trợ kết nối với Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh để được tiếp tục đi học và hiện đang học tại trường cao đẳng Việt – Hàn ở tỉnh, cháu cũng đã tất tự tin, khác hẳn trước đây.
Sau mỗi lần hỗ trợ được các nạn nhân, chị Liên cảm thấy rất hạnh phúc và thầm cảm ơn người chồng của mình. “Nếu không có ông xã là hậu phương vững chắc thì chắc tôi không làm được công tác này bởi tôi đi ngày đi đêm, không quản giờ giấc. Có những ngày đi gặp nạn nhân đến tối mịt mới về thì chồng đã lo tất mọi việc gia đình. Thực sự có chồng chia sẻ, tạo điều kiện thì tôi mới đam mê, theo đuổi được cái nghề khá đặc biệt này….”, chị Liên cho hay.