Chi tiết chỉ tiêu đào tạo 1.200 tiến sĩ ở nước ngoài
Tìm hiểu du học tiến sĩ tại Pháp trong triển lãm du học sau ĐH do Campus France tổ chức năm 2013 Ảnh: PHAN NGÔ |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tuyển 1.200 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo đề án 911 tại các cơ sở đào tạo danh tiếng của các nước tiên tiến trên thế giới
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga, đối tượng dự tuyển là các giảng viên biên chế, giảng viên hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của trường ĐH, CĐ; sinh viên tốt nghiệp ĐH, học viên tốt nghiệp thạc sĩ trong vòng 12 tháng tính đến ngày dự tuyển có nguyện vọng và cam kết đi học để về làm giảng viên ĐH, CĐ.
Cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp loại giỏi
Bên cạnh việc phải cam kết trở về nước phục vụ tại cơ sở đào tạo đã cử đi học, ứng viên là sinh viên mới tốt nghiệp ĐH phải bảo đảm có kết quả học ĐH đạt loại giỏi trở lên đối với trường hợp mới tốt nghiệp ĐH; kết quả ĐH đạt loại giỏi, đồng thời kết quả học thạc sĩ đạt 8 trở lên (theo thang điểm 10 hoặc tương đương) đối với trường hợp mới tốt nghiệp thạc sĩ.
Trường hợp ứng viên mới có bằng tốt nghiệp ĐH, chưa qua đào tạo thạc sĩ nhưng được cơ sở đào tạo nước ngoài tiếp nhận học thẳng chương trình tiến sĩ (không phải qua đào tạo thạc sĩ) thì sẽ được xem xét trên cơ sở văn bản tiếp nhận cụ thể của cơ sở đào tạo nước ngoài.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh ứng viên phải có trình độ ngoại ngữ quốc tế tương đương trình độ B2 trở lên, phù hợp với yêu cầu tiếp nhận đào tạo tiến sĩ và cơ sở đào tạo của nước dự kiến sẽ đi học. Ứng viên đã tốt nghiệp ĐH hoặc thạc sĩ ở nước ngoài, nay trở lại nước đó học tập cần có bằng tốt nghiệp ĐH hoặc thạc sĩ ở nước đó.
Bộ GD-ĐT chủ trương gửi đi đào tạo ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới và tại những cơ sở đào tạo nước ngoài đã ký kết thỏa thuận hợp tác với bộ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay bộ sẽ ưu tiên đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, nông nghiệp và một số ngành khoa học xã hội - nhân văn.
Dự kiến nhóm ngành khoa học tự nhiên có 200 chỉ tiêu, khoa học kỹ thuật công nghệ 400 chỉ tiêu, khoa học xã hội 150 chỉ tiêu, nông - lâm- thủy sản 200 chỉ tiêu, y dược 100 chỉ tiêu, kinh tế - quản lý 100 chỉ tiêu, văn hóa nghệ thuật - thể dục thể thao 50 chỉ tiêu.
Học bổng tối đa 15.000 USD/năm
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết căn cứ thông báo của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ tổ chức hội đồng xét chọn ứng viên và lập danh sách trích ngang gửi về Cục Đào tạo với nước ngoài của bộ. Ông Ga cũng lưu ý đối với các nước Anh, Mỹ, Úc, mỗi trường chỉ đề cử 1-2 ứng viên dự tuyển. Bộ GD-ĐT không xem xét xử lý các trường hợp trường cử người dự tuyển không thông qua xét chọn, không được lập danh sách chung theo tiêu chí nhu cầu đào tạo của trường.
Hồ sơ của ứng viên phải gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 31-7. Dự kiến kết quả phê duyệt trúng tuyển sẽ được thông báo cho các trường và ứng viên dự tuyển trong tháng 9 (đợt 1) và tháng 11 (đợt 2). Kết quả trúng tuyển có hiệu lực để làm thủ tục nhận học bổng đi học trước vào ngày 31-12-2015.
Người trúng tuyển phải cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và phải trở về phục vụ tại trường cử đi học gấp 3 lần thời gian đào tạo. Cá nhân nào vi phạm cam kết sẽ phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo.
Trong thời gian học tại nước ngoài, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ứng viên trúng tuyển sẽ được cấp học bổng gồm học phí (tối đa 15.000USD/năm) và các loại phí bắt buộc liên quan đến chương trình học tập (nếu có), sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa, vé máy bay quốc tế một lượt đi và về theo quy định hiện hành của nhà nước. Thời gian được cấp học bổng không vượt quá 4 năm cho cả khóa học.
Số lượng chỉ tiêu được phân bổ cụ thể: Anh 50, Úc 50, New Zealand 30, Mỹ 125, Nga 95, Trung Quốc 150, Pháp 190, Đức 190, Nhật Bản 130, Singapore 40, Hàn Quốc 70, Canada 40 và các nước khác 40.
Nguồn NLĐ