Chi tiền khủng mời Nick Vujicic sang VN: Vô ích hay vô giá?

Có ý kiến cho rằng bỏ ra 32 tỷ đồng để mời 1 người khuyết tật về nói chuyện là lãng phí. Chỉ cần phân nửa số tiền này có thể giúp ích cho người khuyết tật VN mà giá trị nhân văn cao không kém. Song có ý kiến cho rằng, số tiền này để truyền suy nghĩ tích cực vào giới trẻ là điều vô giá!
Sự kiện Nick Vujicic sang Việt Nam thực sự thành công về mặt truyền thông. Trước đó một tuần, các sự kiện của Nick đều bị cháy vé. Nhiều người tìm mua các quyển sách Nick viết như Cuộc sống không giới hạn, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, Không gục ngã…

Và buổi truyền hình trực tiếp đầu tiên, Nick khiến nhiều người rơi nước mắt vì sự tự tin và những câu chuyện vui, hóm hỉnh của mình.

Ngay trong chương trình đầu tiên này, khán giả được gặp thêm những người hùng khuyết tật của Việt Nam như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhà giáo Nguyễn Thế Vinh, vận động viên khuyết tật Phạm Thị Thu… và cùng tôn vinh cố hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng.

Sau chương trình này, có ý kiến cho rằng, để mời Nick tới Việt Nam, doanh nghiệp phải bỏ số tiền khủng 32 tỷ đồng. Số tiền cát-xê của Nick cũng không hề nhỏ (có người nói 22.000 USD, có người nói 200.000USD). Bất luận là con số nào thì cũng rất khủng khiếp.

Tiền chục tỷ dành cho người khuyết tật Việt Nam, giá trị nhân văn sẽ cao hơn?
Chi tiền khủng mời Nick Vujicic sang VN: Vô ích hay vô giá? - ảnh 1
Nick Vujicic trong buổi đầu tiên ra mắt khán giả Việt Nam
Tác giả của suy nghĩ này, Phan Anh, cho rằng: “32 tỷ đồng, một con số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà các doanh nghiệp đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng đang ngập chìm trong khó khăn. Có thể nói với một chiến dịch được cho là thành công về mặt truyền thông như một công ty đang làm với Nick Vujicic, đó không hẳn là một sự lãng phí. 

Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nếu công ty này chịu bỏ ra phân nửa số tiền đó thôi, để giúp đỡ những gương mặt khuyết tật tài năng vươn lên... thì họ vẫn có thể tạo được một chiến dịch PR vừa thành công cả về mặt truyền thông lẫn ý nghĩa xã hội. Bởi những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những "cú hích" về tinh thần mà Nick đã mang tới”.

Tác giả chỉ ra rằng, đằng sau Nick là công nghệ lăng xê của các công ty phát hành sách của Mỹ; sự xuất hiện của Nick bao gồm nhiều yêu cầu rất khắt khe, như “không có bất kỳ một cuộc gặp gỡ riêng nào với báo giới"; Không đi vé hàng không giá rẻ; Phải cần có người nếm trước đồ ăn và đặc biệt là số tiền cat xê cao khủng khiếp.

Song chương trình đầu tiên Nick chia sẻ thật ra không có gì mới, đó là điều mà bất kỳ một người khuyết tật nào (thậm chí cả người thường) cũng sẽ từng mắc phải. Còn nghị lực sống ư, hãy hỏi những Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Bích Lan (người dịch sách của Nick), "Cô bé xương thuỷ tinh" Phương Anh... xem họ có nghị lực sống và vươn lên trong cuộc sống không? 

Chính vì vậy, tác giả Phan Anh cho rằng, mời Nick chỉ đơn giản Nick là người nước ngoài, hợp với xu hướng sính ngoại của người Việt Nam, là do “bụt chùa nhà không thiêng”. Mà với một số tiền lớn như thế, có khi gần bằng ngân sách của "Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020", thì việc này nên chăng dành cho những hoạt động thiết thực dành cho người khuyết tật VN.

Sau khi ý kiến này được đăng tải, thực sự tạo ra cơn bão trong cư dân mạng.

Có ý kiến ủng hộ, cho rằng, hoàn cảnh của người khuyết tật VN, tài năng và nghị lực của họ có lẽ không thua Nick là bao. Ấy thế mà họ vẫn đang miệt mài đâu đó để tìm mọi cách sống qua ngày, nỗ lực để cống hiến cho xã hội nhưng không được mấy ai quan tâm. Trong khi đó, những doanh nhân người Việt giàu có đã phải bỏ một số tiền khổng lồ lên tới 32 tỷ đồng để mời Nick đến Việt Nam, nói chuyện về nghị lực sống, về đam mê vượt qua khó khăn (những điều mà người Việt Nam nói chung và những người khuyết tật nói riêng đã có thừa).

Bạn Hằng Nga đồng tình với ý kiến tác giả Phan Anh, rằng số tiền đó có thể giúp đỡ biết bao nhiêu người khuyết tật.

Bạn Trần Anh Tuấn cũng tâm đắc với bài viết khi cho rằng hóa ra cái anh Nick cũng chỉ là "1 kiểu diễn viên" thôi, không hơn không kém. 

Bỏ ra 32 tỷ để thay đổi tích cực suy nghĩ của 1 thế hệ, không đắt!

Tuy nhiên, luồng dư luận khác lại cho rằng, giá trị tinh thần không thể đo đếm bằng tiền.  Một bạn đọc khẳng định: “Có lẽ còn quá sớm để đánh giá điều gì. Nick đã truyền cảm hứng và thay đổi cuộc đời của một lượng người không nhỏ. 
Chi tiền khủng mời Nick Vujicic sang VN: Vô ích hay vô giá? - ảnh 2
Dịch giả Nguyễn Bích Lan ôm thần tượng của mình!

Không nên so sánh anh với ai cả, cũng không thể đánh đồng những người khuyết tật khác đều na ná như anh. Không phải chỉ cần trải nghiệm như vậy là diễn thuyết được... mà là cả một quá trình trau dồi, tập luyện để trở thành một nhà diễn thuyết - và vì thế số tiền anh kiếm được cũng là điều dễ hiểu... 

Tuy nhiên, việc anh làm được điều gì ở Việt Nam thì còn cần thời gian trả lời... xem chúng ta ngấm được bao nhiêu, thay đổi được bao nhiêu... Thiết nghĩ có được cơ hội hiếm có như vậy, hãy cứ để giới trẻ học hỏi, va chạm, sao phải ngay lập tức đưa mọi thứ ra đánh giá so sánh khiến cho người ta nghĩ tiêu cực đi?”

Bạn đọc khác khẳng định rằng, việc nhìn nhận của tác giả Phan Anh là có giới hạn: “Đừng nói bụt nhà không thiêng! Tất nhiên ở VN không thiếu những tấm gương vượt khó như vậy, nhưng họ không truyền được lửa cho người khác được giống như anh chàng này! Quan trọng là có khả nằng truyền lửa để cho người khác có thêm ý chí, thêm quyết tâm.

Còn việc chi nhiều tiền trong khi số tiền đó có thể cứu cả một xã thoát nghèo ư, nếu có một tầm nhìn giới hạn thì sẽ làm như vậy, cứu một xã thoát nghèo bằng cách chia tiền cho họ để họ tiêu hết số tiền đó rồi lại nghèo thôi, nhưng nếu bỏ ra số tiền đó trong trường hợp này có thể thay đổi tích cực suy nghĩ của cả một thế hệ thì chúng ta thấy đường nào lợi hơn.

Đùa chút thôi. Cái mà Nick mang đến VN không phải là thể chất không hoàn thiện của anh ấy, mà là hy vọng. Người ta bỏ tiền ra để "mua lấy hy vọng, lòng tin", đề được gợi nên hứng khơi, gợi lên những cảm xúc tích cực. Dù sao vẫn tốt hơn chuyện bỏ cả đống tiền ra mời mấy diễn viên Holywood, Hàn Quốc về.

Giới trẻ có thay đổi hay không thì không biết.. nhưng hãy nhìn một anh chàng không tay không chân kiếm triệu đô mỗi ngày, rồi bạn hãy tự hỏi mình có tay có chân để làm gì”

Một bạn gái còn bức xúc hơn khi cho rằng, lên án sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam, rằng suy nghĩ bỏ tiền cho người tàn tật còn giá trị hơn cho họ tinh thần, đồng thời cất lời cay độc coi Nick Vujicic như một món hàng tốn kém, thì quả thực, họ mới chính là những kẻ TÀN TẬT TÂM HỒN. Chính họ chứ không ai khác là những kẻ ăn bám xã hội và cần được cữu rỗi”.

Cả hai hướng tiếp cận vấn đề, đều có cái lý của nó, đều đánh động nhiều điều. Rằng sau sự kiện của Nick, phần đông chúng ta tự nhìn lại mình, chúng ta đã giúp gì cho người khuyết tật Việt Nam? Hay chỉ ném một vài đồng tiền rồi quay về cuộc sống của cá nhân mình là xong?

Rằng việc bỏ ra số tiền lớn để mời Nick về, không hề vô ích tẹo nào. Nó không chỉ thay đổi thái độ sống của nhiều người, bồi đắp nghị lực sống cho người khuyết tật, mà còn khiến chúng ta sống có trách nhiệm đối với đồng bào mình, đối với người khuyết tật Việt Nam.

Mọi so sánh đều khập khiễng. Nick sang đây để cho chúng ta thấy rằng, niềm tin, suy nghĩ tích cực đã khiến một người khuyết tật như anh vẫn sống tốt. Vậy tại sao, chúng ta lại nghĩ tiêu cực ngay trong chính những ngày tràn đầy sự tích cực do Nick Vujicic tỏa ra?

“Chỉ có người Việt Nam mới giúp được người Việt Nam” – Câu nói của Nick Vujicic đã trả lời cho cuộc tranh luận này của cư dân mạng. 


Thanh Bình

Thanh niên hành động ngăn nạn buôn bán, giết mổ chó mèo

Với sự hiểu biết khi tham gia cuộc thi, thanh niên sẽ là cầu nối khuyến khích những người khác suy ngẫm về hậu quả của việc kinh doanh, vận chuyển và giết mổ thịt chó mèo.

Hơn 12.000 học sinh, sinh viên được đào tạo về công nghệ AI

Đến nay đã có hơn 12.000 học sinh, sinh viên đến từ 95 trường học tại 21 tỉnh thành trên cả nước được đào tạo về vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn…

Tạo sân chơi cho học sinh ứng dụng kiến thức giáo dục STEM

Cuộc thi đem đến cho các em học sinh cơ hội ứng dụng kiến thức giáo dục STEM liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, nhằm nuôi dưỡng năng lực tiếp cận công nghệ giải quyết các vấn đề của xã hội.

Cô gái Nam Định vẽ tranh bằng 'đôi tay' đặc biệt, nuôi ước mơ thành họa sĩ

“Tôi không quyết định được hình hài mình sinh ra nhưng tôi có quyền chọn cách sống”, câu nói ấy đã trở thành động lực, giúp Thơm vượt qua giới hạn của cơ thể, dùng “đôi tay” đặc biệt vẽ lên cuộc đời đầy ý nghĩa.

'Học sinh toàn đạt danh hiệu khá, giỏi sao phải lo chuyện đi học thêm?'

Chuyên gia giáo dục Lê Đông Phương nêu nghịch lý: “Qua báo cáo tổng kết các năm học, đa số học sinh được xếp loại khá giỏi, số yếu kém chỉ chiếm rất ít, vậy tại sao xã hội, phụ huynh cứ phải lo chuyện học thêm, dạy thêm?”.

Thầy cô Học viện Nông nghiệp Việt Nam trổ tài gói bánh chưng

Từ ngày 12/1- 24/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ hội Xuân, lễ hội gói bánh chưng và hội thi văn hóa ẩm thực truyền thống chào Xuân Ất Tỵ 2025.

Tử vong do tai nạn giao thông liên quan rượu bia: 6/10 người trong độ tuổi 15 - 29

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy cứ 10 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia thì có 6 người trong độ tuổi từ 15 đến 29.

Học viện nông nghiệp Việt Nam ra mắt câu lạc bộ hoa, cây cảnh sinh viên

Trong khuôn khổ Lễ hội Xuân 2025, tối 17/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức ra mắt Câu lạc bộ hoa, cây cảnh sinh viên VNUA.

Ngành hoa cây cảnh Việt Nam, cơ hội cho người trẻ

Gần 45.000 ha trồng hoa, cây cảnh với sản lượng đạt hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hoa vượt mốc 100 triệu USD, Việt Nam khẳng định vị thế trong ngành hoa cây cảnh khu vực và quốc tế.

Từ nghe tiếng Anh bập bõm, nam sinh bứt phá lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge

Những ngày đầu học tại ngôi trường mới, Đăng gặp khó khăn vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thể theo kịp các bài học trên lớp. Tự động viên và đặt ra mục tiêu để cố gắng, Đăng dần cải thiện thành tích, bứt phá và lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge.