Chỉ đạo điều hành nổi bật trong tuần
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (KSTTHC).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo việc sửa đổi, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; trong đó, quy định trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc đánh giá tác động TTHC; trách nhiệm của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp trong việc góp ý kiến, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC, không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu chưa có bản đánh giá tác động về TTHC và ý kiến góp ý về quy định TTHC tại dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, sửa đổi, hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa tổ chức pháp chế với tổng cục, cục, vụ, đơn vị trực thuộc bộ, ngành; Sở Tư pháp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc công bố, công khai minh bạch TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý theo quy định; trong đó cần quy định trách nhiệm cụ thể của tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp trong việc đôn đốc, kiểm soát chất lượng dự thảo quyết định công bố trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành…
Đưa công ty Quản lý tài sản Việt Nam hoạt động trong tháng 7/2013
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát nhằm kiểm soát và điều tiết lãi suất thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng, có thị trường vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại nợ và tiếp tục cho vay đối với các hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi nếu khách hàng bảo đảm khâu tiêu thụ và có khả năng trả nợ; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê; tích cực triển khai có hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đưa Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động trong tháng 7/2013; theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối để điều hành tỷ giá phù hợp; thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng, tất toán trạng thái vàng đúng quy định.
Bộ Tài chính thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế nhưng có kiểm soát để thu đúng, thu đủ, tránh thất thoát và nợ đọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp khuyến khích đầu tư toàn xã hội, tích cực thúc đẩy đầu tư để kích thích tổng cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư, nhất là FDI và ODA.
Gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê - Ảnh minh họa |
Cũng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chính phủ đồng ý gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đánh giá khó khăn, trở ngại hiện nay đối với từng mặt hàng nông sản xuất khẩu; từ đó xác định đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 54/2013/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn để bổ sung mặt hàng cà phê và các mặt hàng nông sản xuất khẩu được xác định vào danh mục hỗ trợ, gia hạn thời gian vay tín dụng xuất khẩu.
Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho đối tượng kinh doanh cà phê và các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Đến 2020, GDP vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung đạt 2.500 USD/người
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu GDP bình quân đầu người vùng này đến năm 2020 đạt khoảng 53 triệu đồng, tương đương 2.500 USD bằng khoảng 76% mức bình quân đầu người của cả nước.
Xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững; cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển theo chiều sâu, tập trung khai thác các lợi thế so sánh của vùng, tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp đến năm 2020 tương ứng là 41,9%, 39,9% và 18,2%.
Đến năm 2015 dân số của Vùng khoảng 20 triệu người và khoảng 21,2 triệu người vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của Vùng giảm bình quân 2-3%/năm.
Phê duyệt Quy hoạch phát triển KT-XH trung du, miền núi phía Bắc
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm thời kỳ 2011-2015 là 7,5% và thời kỳ 2016-2020 trên 8%. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 2.000 USD.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến năm 2015 tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP của vùng là 27%, công nghiệp - xây dựng 34,1% và dịch vụ 38,9%; đến năm 2020, tỷ trọng tương ứng của các ngành là 21,9% - 38,7% - 39,4%.
Phấn đấu các mục tiêu về xã hội của vùng đạt mức trung bình của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3-4%; trong mỗi kế hoạch 5 năm giải quyết việc làm cho khoảng 250.000-300.000 lao động.
Báo cáo tình hình vận chuyển, kinh doanh cá tầm nhập lậu
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 15/7/2013 về tình hình vận chuyển (chở qua đường hàng không vào thành TP Hồ Chí Minh), buôn bán công khai thủy sản (cá tầm) nhập lậu vào Việt Nam.
Hiệp hội phát triển cá nước lạnh cho biết, việc nhập lậu cá tầm đang đe dọa nghiêm trọng đến sự "sinh tồn" của cá tầm trong nước.
Mỗi ngày cơ quan chức năng phát hiện từ 3-5 tấn cá tầm không rõ nguồn gốc được nhập lậu vào TP. Hồ Chí Minh qua đường hàng không, đó là chưa kể số lượng cá tầm lậu “đội lốt” cá Việt đưa vào các siêu thị, chợ thực phẩm lớn ở Hà Nội.
Nguồn:Chinhphu.vn