Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ: Ai phải chịu trách nhiệm chất lượng?
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong đề án này là kinh phí thực hiện Đề án dự kiến 12.000 tỷ đồng để nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9000 tiến sĩ).
Trong thời gian vừa qua dư luận đã nóng lên với những tranh luận về “tiến sĩ giấy”, “lạm phát” tiến sĩ, thạc sĩ. Vậy có thực sự cần thiết phải chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo khoảng 9000 tiến sĩ trong bối cảnh hiện nay?
Dự kiến chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo khoảng 9000 tiến sĩ (ảnh minh họa) |
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục.
PV: Xin GS cho biết quan điểm của ông về dự án dùng 12.000 tỷ đồng để đào tạo khoảng 9000 tiến sĩ trong bối cảnh hiện nay?
GS.TS Đặng Quốc Bảo: Về chủ trương, tôi hoàn toàn ủng hộ dự án này của Bộ GD&ĐT. Thành thực mà nói, số lượng giảng viên có trình độ cao vẫn còn thiếu so với nhu cầu phát triển hiện nay của chúng ta. Đặc biệt, so với một số nước khác trên thế giới như Philipin hay Thái Lan thì lượng cán bộ có trình độ của ta thua xa họ.
Vấn đề là chúng ta có khả năng đào tạo ra tiến sĩ thực hay lại “tiến sĩ giấy”? Thời gian qua chúng ta không lạ gì với những câu chuyện “tiến sĩ giấy” rồi lạm phát tiến sĩ. Đó là câu chuyện không hay ho gì. Nếu lần này chúng ta tiếp tục đào tạo ra 9.000 “tiến sĩ giấy” nữa thì đó quả là điều đáng lo ngại.
PV: Nếu đó là chủ trương tốt thì theo GS nên thực hiện thế nào để chúng ta không rơi vào tình trạng đào tạo theo kiểu hình thức?
GS.TS Đặng Quốc Bảo: Chủ trương thì tốt nhưng vấn đề là thực hiện thế nào để mang lại hiệu quả thực sự đó cũng là câu chuyện phải bàn kỹ. Tôi nghĩ rằng, những người được chọn đi học phải học thật và quá trình đào tạo phải mang lại kết quả thật. Chúng ta chấp nhận kéo dài thời gian thậm chí là tốn kém những vấn đề là tiến sĩ phải có trình độ thực sự.
Lần này chúng ta hãy mạnh tay và kiên quyết đào tạo thế hệ có thể thực hiện công cuộc đổi mới chứ đừng vì “nể nang” để rồi kéo theo cả một hệ lụy lớn.
Chúng ta cần có một đội ngũ người thầy tinh hoa cho đổi mới chứ không phải người thầy có nhiều bằng cấp nhưng lại không làm được gì. Nếu nhìn lại quá khứ thì chúng ta sẽ thấy những người thầy của những năm 60 về trước, họ không có học vị tiến sĩ nhưng lại đào tạo ra biết bao thế hệ danh tiếng làm nên tên tuổi cho đất nước có thể kể đến thế hệ những học sinh của ĐH Tổng hợp. Vấn đề quan trọng là những người thầy mang hết tâm huyết và trí lực vì học sinh.
Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện hơi buồn là tại sao có những đề tài như “hành vi nịnh trong tiếng Việt” hay “nghệ thuật chữ trên bìa sách” mà vẫn trở thành đề tài nghiên cứu tiến sĩ? Nói để thấy rằng, câu chuyện ở đây là cả người đi học và đơn vị đào tạo phải hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm chứ không thể đào tạo một cách ồ ạt được.
PV: Với dự án này dự kiến sẽ chi ra 12.000 tỷ đồng, có thể thấy đây là con số không hề nhỏ. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm với chất lượng của 9.000 tiến sĩ thưa PGS?
GS.TS Đặng Quốc Bảo: Tất nhiên, Bộ GD&ĐT phải là người chịu trách nhiệm quản lý quá trình thực hiện đề án cũng như chất lượng của 9.000 tiến sĩ sau khi đào tạo. 12.000 tỷ không phải con số nhỏ, vì thế, Bộ GD&ĐT phải hết sức thận trọng với dự án này để không đi vào vết xe đổ theo kiểu đào tạo mang nặng tính hình thức trước đó.
Trong quá trình thực hiện đề án, sẽ có cơ chế giám sát: Giám sát tư vấn, giám sát hỗ trợ và giám sát phản biện và giám sát kiểm tra…để đảm bảo đề án thực hiện công khai, minh bạch và có hiệu quả.
Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!
Hiện nay, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.
Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên. Theo báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, hàng năm giảng viên đều thực hiện nhiệm vụ này. Số lượng công trình nghiên cứu tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Số lượng công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế.
Nhiều giảng viên còn hạn chế về năng lực tổ chức và hợp tác nghiên cứu khoa học. Việc tạo điều kiện cho giảng viên phát huy năng lực nghiên cứu khoa học (về kinh phí, cơ sở vật chất và thiết bị) còn hạn chế. Số lượng nhóm nghiên cứu mạnh tại các cơ sở giáo dục đại học chưa nhiều và cũng chưa được đầu tư tương xứng.
Trên phương diện hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học, số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus của Việt Nam còn hạn chế. Tại một số cơ sở giáo dục đại học, trong nhiều năm học, không có công trình, bài báo công bố quốc tế. Trong đợt xét công nhận GS, PGS năm 2015, chỉ có 3/28 hội đồng ngành mà 100% tân GS, PGS có công bố quốc tế (vật lý, toán học và CNTT), có 10/28 hội đồng ngành không có công bố quốc tế.
Vì thế, đề án này sẽ tập trung vào hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đạt được mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL theo chiến lược phát triển và yêu cầu đào tạo chất lượng cao của cơ sở, trong đó phấn đấu đến năm 2025 nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên 35% (khoảng 9000 tiến sĩ).