Chặt trăm cây chỉ trồng... nửa cây
Chiều 16/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Rừng trên cao nhưng chính sách đầu tư ở dưới thấp
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, "rừng ở trên cao nhưng những chính sách đầu tư ở dưới thấp. Toàn lấy của rừng về chứ có ai đưa lên rừng được bao nhiêu đâu, rất ít.
“Tôi sang Lào thấy người ta cứ chặt một cây thì trồng một cây. Mình thì chặt trăm cây trồng nửa cây, hầu hết lấy hết. Bao nhiêu gỗ quý, khoáng sản quý lấy hết rồi. Ngày trước nói rừng là vàng, rừng che bộ đội rừng vây quân thù, bây giờ thì rừng làm giàu cho lâm tặc”- ông Võ Trọng Việt nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt |
Ông Việt đánh giá, cơ bản rừng đã bị phá hết, nói rừng che phủ mấy chục phần trăm là trồng mới. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung và sửa đổi Luật.
Nhấn mạnh có thời gian một số địa phương lợi dụng chuyển đổi rừng để... phá rừng, ví dụ như mấy năm trước rừng Tây Nguyên có những cây trăm năm tuổi nhưng do chính sách chuyển đổi đã chặt phá để trồng cao su, nhưng cây cao su cũng không lên được. Thế nhưng không ai chịu trách nhiệm.
Do đó, cần phải có sự thẩm định của cơ quan cấp trên: “Tỉnh muốn chuyển đổi mục đích rừng, giao khoán thì theo luật quy định của luật này là phải được Bộ Tài nguyên – Môi trường thẩm định, thế mới giám sát được nhau. Còn luật cứ đưa, thẩm quyền cứ làm mà sai thì cứ sai”.
Liên quan đến cơ chế, chính sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, nếu quy định như hiện tại thì kiểm lâm vẫn “lực bất tòng tâm” trước “lâm tặc”. "Từ rừng về thành phố có bao nhiêu trạm thế mà lâm tặc qua hết. Luật phải tạo cơ chế, hành lang pháp lý để chặn được việc này. Vụ chặt cây Pơ mu ở Quảng Nam Thủ tướng phải lên tiếng vì đầu nậu bố trí lên kế hoạch để vượt mặt các cơ quan chức năng"- ông Việt kiến nghị.
Người dân phải sống được nhờ rừng
Đánh giá về dự thảo luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, Luật sửa lại tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, dự thảo luật cũng còn nhiều vấn đề ban soạn thảo phải nghiên cứu thêm. Chẳng hạn như tại điều 24 còn khá chung đề nghị cụ thể hơn nữa.
Hay như tại điều 5 về phân loại rừng (thành 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất và sử dụng). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần nghiên cứu trong rừng đặc dụng nên đưa vào rừng khu vực biên giới bởi khu vực rừng này rất quan trọng có tác dụng quốc phòng an ninh. Đất nước ta có dải biên giới dài nên nếu cứ để rừng trọc thì không được.
“Làm sao nghiên cứu và có quy định trồng cây loại gì để với những cây đặc thù để khi về đến biên giới là nhận ra Việt Nam” – Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.
Cho rằng, dự án luật có đầy đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trước các ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận hôm nay. Về tên gọi, Chủ tịch Quốc hội cho rằng giữ nguyên tên cũ thì rõ hơn bởi nội dung chính của Luật này là bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng tình với quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra dẫn chứng: “Tôi sang Ecuador – nơi tập đoàn Viettel của Việt Nam sang đầu tư. Họ làm những cột thu phát sóng nếu phải bỏ 100 cây thì những chỗ đó nhà đầu tư phải cam kết trồng lại 100 cây, rừng là cây gì thì phải trồng đúng cây đó. Nếu nhà đầu tư không làm là vi phạm, họ sẽ xử phạt”.
Trong khi đó, tại nước ta, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong chuyến công tác tại một số tỉnh Tây Bắc, “tôi và đồng chí Cường (Bộ trưởng Bộ NN & PT NN – PV) bay từ Điện Biên về đây nhìn thấy đồi trọc hết. Đi Lai Châu bà con cũng phá rừng trồng chuối bán cho Trung Quốc. Điều này cho thấy người dân không sống được vào rừng, họ phải phá rừng trồng cây mà có thể sống được” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chính sách của nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng trong dự án Luật chưa rõ, phải đảm bảo người dân ở rừng sống được mà không phá rừng, thì mới giữ được rừng.
Luật này phải giải quyết cho được bảo vệ và phát triển rừng, rừng không chỉ giữ nước mà còn sinh thủy, không tạo ra lũ quét lũ ống cho hạ lưu, để những con suối lòng sông không cạn trong mùa khô, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.