Chàng lùn kiếm cơm bằng màn móc lưỡi câu vào họng
Thân lùn chí cao
Quý "lùn" biểu diễn trong một chương trình từ thiện. |
Từ đầu thôn Lang Thượng - xã Mỹ Đức – An Lão – Hải Phòng, được hỏi thăm nhà Quý “lùn”, người dân từ già đến trẻ đều nhiệt tình chỉ dẫn. Chàng trai Hoàng Văn Quý (tức Quý “lùn”, 26 tuổi) đã quá nổi tiếng ở địa phương này. Quý không chỉ nổi bật bởi vóc dáng như đứa trẻ lên 4 của mình (nặng 35kg, cao 1,1m) mà còn được mọi người biết đến bởi tài diễn xiếc rùng rợn: dùng lưỡi câu móc vào cổ họng để nâng chậu hoa nặng khoảng 7kg.
Quý “lùn” kể, anh lớn lên trong trong cái nghèo đến cùng cực của bố mẹ. Để đỡ đần được mẹ, từ thủa mười tám đôi mươi, ngày ngày Quý theo bố đi khắp nơi hành nghề sửa chữa khóa kiếm tiền mưu sinh. Nhưng cái nghề kiếm cơm của bố con Quý cũng chẳng phải dễ dàng gì, thêm tiết trời lúc nắng lúc mưa nên thất thường lắm. Suy tính nát óc, Quý quyết định rời quê vào miền Nam xin việc, mong có thu nhập ổn định hơn.
Ban đầu, Quý xin vào các tổ chức tạo việc làm dành cho người khuyết tật ở TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Quý làm nghề bán tăm tre nhân đạo. Nhưng cái nghề buôn bán dựa vào lòng trắc ẩn của người đời ấy cũng chẳng kiếm được mấy đồng. Và trong những ngày đi bán tăm dạo, Quý quen thêm được nhiều người bạn khuyết tật và nhờ đó anh xin được chân “diễn viên tí hon” cho các gánh hát của những người tàn tật biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh. Lúc đầu, công việc của Quý chủ yếu là đóng kịch, ca hát, nhảy múa phụ họa trên sân khấu. “Làm được một thời gian, em mới nghiệm ra rằng, nếu không quyết tâm học hỏi để có một vị trí diễn xuất khác thì công việc này cũng chẳng thể nuôi sống bản thân chứ đừng nói gì đến giúp đỡ gia đình…” – Quý nhớ lại thủa đầu đến với nghề diễn xuất.
Ngày ấy, những trò ảo thuật đầy bí ẩn khiến Quý say như điếu đổ. Nhưng chẳng phải Quý dễ dàng được học nghề của lớp người đi trước, ai nấy đều có ý đề phòng bởi đó là những ngón nghề kiếm cơm nuôi sống họ. Quý đành phải tự để ý, mày mò học lén. Khi có những điều căn bản, Quý tìm hiểu trên mạng internet, tìm các clip ảo thuật để xem, để tự hoàn thiện trò diễn riêng của mình. “Làm nhiều nên cũng thành điêu luyện chị ạ. Rồi những nỗ lực của em cũng được chủ gánh hát để ý và cho phép đứng trên sân khấu biểu diễn ảo thuật…” – Quý bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên được đứng ở vị trí diễn chính.
Quý bảo, lần ấy anh diễn khá thành công trò ảo thuật biến cây bài không hình thành có hình, rồi kéo các cây bài thành dây dài, khiến khán giả vỗ tay khích lệ không ngớt, chủ gánh hát cũng rất hài lòng. Từ đấy, Quý “lùn” được biết đến như một ảo thuật gia. Đến nay, Quý có thể biểu diễn khoảng 30 trò ảo thuật như: rút khăn mùi xoa từ ống tre biến thành con chim bồ câu; cây nến trong tay tự nhiên biến mất; biến không thành có một số vật dụng sinh hoạt…
Càng diễn xuất nhiều, Quý càng nhận ra, nếu không nỗ lực hơn nữa thì một ngày nào đó nghiệp diễn của anh cũng sẽ dừng lại bởi không có yếu tố mới, yếu tố đặc biệt thu hút khán giả. Trăn trở nhiều đêm, Quý “lùn” quyết định tập luyện diễn màn xiếc ảo thuật: dùng lưỡi câu móc vào họng để nhấc chậu hoa. Ban đầu, trọng lượng của chậu hoa Quý “lùn” chọn là khoảng 7kg. “Móc lưỡi câu vào cổ khá nguy hiểm, em phải tập luyện nhiều lắm để phần da cổ dẻo dai. Chuyện chảy máu là không tránh khỏi. Có lần, máu chảy nhiều lắm, đau đến nỗi không khóc mà nước mắt ròng ròng. Về sau này thì chỉ rơm rớm máu thôi…” – Quý tủm tỉm nói về những ngày dày công khổ luyện cho nghiệp diễn.
Lúc này, tôi mới để ý phần cổ họng của chàng lùn, chi chít những vết đã thành sẹo. Thấy tôi có phần rùng rợn sau lời kể, Quý bảo vì hôm nay đột ngột có khách chứ nếu không chàng lùn ấy sẽ chuẩn bị đồ diễn để cho chúng tôi tận mắt chứng kiến màn công phu ấy. “Lần đầu tiên em công diễn trò nhấc chậu hoa ấy, nhiều người cũng kinh hãi, sau đấy thì tán thưởng lắm…” – Quý nói. Không chỉ dừng lại ở chậu hoa nặng 7kg, Quý “lùn” từng bước nâng mức nặng lên và hiện tại Quý có thể móc lưỡi câu vào cổ họng để nâng được cả két bia.
Cũng nhờ tài nghệ xiếc ảo thuật điêu luyện ấy, Quý từng được đài truyền hình quốc gia ghi hình, công nhận kỷ lục màn trình diễn ấn tượng. Tiếng tăm của Quý “lùn” nổi tiếng hơn, anh lấy nghệ danh là “Lâm Sơn Hải”. Lịch biểu diễn của Quý “lùn” dày đặc, hầu như không có ngày nghỉ. “Mỗi lần đi diễn xa vất vả lắm, em toàn phải tự bắt xe khách đi diễn tỉnh mà. Chân em thì ngắn mà cửa lên ô tô thì cao, phụ xe toàn phải nhấc em lên…” – Quý thoáng chút buồn về hình hài của mình.
Hạnh phúc nở hoa
Quý "lùn" hạnh phúc bên người vợ và con trai bé nhỏ |
Nỗi buồn về thân phận của Quý “lùn” chỉ thoảng qua như cơn gió. Suốt buổi trò chuyện với chàng lùn ấy tôi cảm nhận được một thái độ sống tích cực, một tinh thần lạc quan hiếm thấy. Nhất là khi Quý “lùn” nói về gia đình nhỏ của anh, chẳng có sự khác biệt nào với người thường, bởi cùng ánh lên niềm hạnh phúc thực sự. Quý kể, trong buổi biểu diễn cho một đoàn nghệ thuật từ thiện, Quý đã làm quen với Bùi Thị Thủy (SN 1988, ở Hà Nam, là người khuyết tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin). Như định mệnh, hai cơ thể không bình thường đã tìm được sự đồng cảm sâu sắc.
Quý cưới Thủy sau lần gặp gỡ ấy không lâu. “Vợ chồng em lấy nhau và đã sinh được một bé trai nay đã 2 tuổi, khỏe mạnh, lành lặn và bi bô suốt ngày…” – Quý mãn nguyện nhìn đứa con trai. Anh bảo, chỉ hy vọng sau này đứa trẻ phát triển bình thường, không mang gen lùn của bố và không bị nhiễm chất độc như mẹ. Cũng từ dạo lấy vợ, sinh con, Quý quyết định không lưu diễn xa, mà ký hợp đồng dài hạn cho Đoàn ca nhạc cải lương nhân đạo, thuộc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Hải Phòng. Các buổi lưu diễn gây quỹ từ thiện của đoàn trên địa bàn TP ngày càng nhận được sự chào đón nhiệt tình của khán giả.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị cắt ngang bởi tiếng một người phụ nữ từ ngoài ngõ đi vào. Bà Phạm Thị Đoái - mẹ Quý - đi làm đồng về. Nghe chúng tôi giới thiệu rằng muốn tìm hiểu về màn ảo thuật của Quý, bà Đoái xởi lởi ngồi góp vui câu chuyện về cậu con trai đặc biệt của mình. Bà Đoái kể, lúc mới sinh ra Quý rất nhỏ, nhẹ cân hơn những đứa trẻ khác. Nuôi nấng Quý cũng là cả một vấn đề lớn, bởi Quý hay ốm nên liên tục phải nhập viện. Do chậm phát triển cả về chiều cao và cân nặng, nên tròn 2 tuổi, Quý mới chập chững biết đi. Rồi đến năm 10 tuổi, chiều cao của Quý dừng lại hẳn, ở mức khiêm tốn là 1,05m và đến tuổi dạy thì Quý chỉ chỉ thêm được vài cm. “Chân tay ngắn cũn cỡn, ngày càng khuỳnh ra, nhìn nó đi mà cứ như bơi dưới nước” – bà Đoái thoáng buồn.
Cũng bởi nhỏ bé và yếu ớt nên 8 tuổi Quý mới được cha mẹ đưa đến trường theo học lớp 1. Ngày đầu đến trường, đó cũng là thời khắc bắt đầu những chuỗi ngày khó khăn bởi Quý nhận ra thân hình mình hoàn toàn khác so với bạn bè cũng trang lứa. Đi đến đâu, Quý cũng bị mọi người chọc ghẹo chỉ vì cái thân hình dị dạng đó. Rồi Quý quyết tâm lắm nhưng chỉ học hết lớp 10, vì kinh tế gia đình quá nghèo.
Giờ thì bà Đoái chẳng còn buồn nhiều về hình hài đặc biệt của cậu con trai nữa. Người mẹ ấy có chút tự hào bởi chàng lùn của bà đã và đang nỗ lực để được sống như người bình thường. Dẫu cuộc sống của mẹ con bà Đoái vẫn muôn vàn khó khăn, nhưng bà tin con trai bà đủ nghị lực để vượt qua tất cả.
Thùy Linh