Chân dung người hùng của bộ tộc Yazidi giải cứu con tin từ tay IS
Bất chấp nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã treo thưởng 500.000USD để “lấy đầu” A-bu Su-da (Abu Shujaa), nhưng người đàn ông can đảm ấy vẫn làm mọi cách để cứu cộng đồng của mình khỏi bàn tay của tội ác. A-bu Su-da từng nói: “Tất cả chúng ta, rồi ai cũng sẽ chết và cái chết chỉ đến một lần. Vì thế tôi muốn chết một cách bất khuất và tự hào, chứ không phải chết trong hổ thẹn”.
A-bu Su-da và các nạn nhân được ông cứu thoát khỏi sào huyệt của IS.Ảnh: RT |
Khi IS lấn sâu và chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại I-rắc cũng là lúc Yazidi, một tộc người thiểu số ở I-rắc, trở thành nạn nhân của chúng. Là một người Yazidi, A-bu Su-da biết rằng mình không thể ngồi yên mà phải hành động. Ông tâm niệm rằng, cần phải có ai đó tìm cách cứu những sinh mạng đang bị đày đọa. Theo tờ The Guardian, A-bu Su-da đã trở thành một “huyền thoại” trong cộng đồng người Yazidi của ông. Ông tổ chức, điều hành và cũng là “con át chủ bài” trong một tổ chức ngầm chuyên giải cứu những người Yazidi bị IS bắt giữ.
Tháng 8-2014, IS chiếm núi Sinjar ở miền Bắc I-rắc, quê hương của hàng nghìn người Yazidi. IS đã bắt giữ gần 5.000 người Yazidi, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nhiều phụ nữ bị chúng đưa tới các khu chợ để bán như những nô lệ tình dục, trong khi các bé trai được chúng huấn luyện quân sự để trở thành phiến quân. A-bu Su-da cho biết sau khi bắt bớ phụ nữ, IS đem bán họ làm nô lệ, thường thì giá của mỗi người vào khoảng 1.000USD hoặc nhiều hơn, tùy thuộc vào tuổi tác và ngoại hình.Nhờ những mối liên hệ có được từ thời còn buôn bán trên tuyến đường biên giới nối I-rắc và Xy-ri, A-bu Su-da đã tập hợp được một đội ngũ những người chung chí hướng nhằm giải cứu các con tin bị IS bắt giữ, giúp họ có cơ hội được đoàn tụ cùng gia đình và trở về với cuộc sống yên bình.
Vừa là người tổ chức, A-bu Su-da vừa trực tiếp tham gia các cuộc giải cứu. Nói về nhiệm vụ mà với nhiều người dường như là bất khả thi, A-bu Su-da cho biết đến nay ông đã vào tận sào huyệt của IS từ 15 đến 20 lần, cứu khoảng 200 con tin là trẻ em và phụ nữ. Thỉnh thoảng sau những chiến dịch thành công, ông lại đăng những tấm hình hay video về người mà ông đã cứu thoát trên trang Facebook cá nhân.
Với A-bu Su-da cùng những cộng sự người Yazidi khác, xác định vị trí và giải cứu các nạn nhân của IS cũng đồng nghĩa với việc họ phải đánh cược cả mạng sống của mình. Thậm chí, các phiến quân IS còn treo thưởng một khoản tiền lớn để “lấy đầu” A-bu Su-da. “Kể từ khi bắt đầu công việc này, tôi đã nhận nhiều lời đe dọa của IS. Chúng biết rằng tôi đang cố gắng giải thoát cho những nạn nhân bị chúng bắt giữ. IS đã hứa sẽ thưởng 500.000USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin hoặc bắt tôi và giao nộp cho chúng”, A-bu Su-da nói với đoàn làm phim tài liệu của hãng tin RT.
Cũng đã nhiều lần các tay súng IS đến gần khu vực của A-bu Su-da, nhưng đều không thể bắt được ông. A-bu Su-da cho biết lúc đầu ông cũng đôi chút cảm thấy sợ hãi, nhưng sau đó đã quen dần với những lời đe dọa. Ông cũng từng trải qua những nỗi đau tinh thần không gì có thể bù đắp khi phải mất đi 15 cộng sự trong các cuộc giải cứu, thậm chí 12 người trong số họ đã bị chặt đầu, thi thể bị đem ra phơi bày. Gần đây nhất, 2 người của ông đã bị sập bẫy và rơi vào tay IS.
Thế nhưng những lời đe dọa, mất mát ấy không thể làm A-bu Su-da chùn bước."Tôi sẽ không từ bỏ công việc của mình. Vấn đề không phải là chúng có ảnh tôi, biết tên tôi. Chúng có thể treo thưởng 5 triệu USD cho cái đầu của tôi, nhưng tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tù nhân cuối cùng được giải thoát”, A-bu Su-da khẳng định.
Theo ước tính của A-bu Su-da, hiện vẫn còn khoảng 2.700-2.800 người đang bị IS giữ làm con tin. Trong số đó có cả 3 người em họ của ông. "Tôi không thể cứu họ. Tôi không thể xác định được họ ở đâu. Họ là động lực để tôi bắt đầu công việc này", vừa nói A-bu Su-da vừa đưa ra bức ảnh chụp 3 phụ nữ trẻ trong điện thoại.
Với sự giúp đỡ của gia đình, A-bu Su-da quyết tâm tiếp tục sứ mệnh giải cứu cộng đồng Yazidi. Điều đáng mừng là dù lo lắng cho tính mạng của A-bu Su-da, nhưng người thân của ông vẫn ủng hộ và ca ngợi những gì mà ông đang làm.
Như A-bu Su-da chia sẻ, trực tiếp tham gia vào các cuộc giải cứu “một mất một còn” không có nghĩa là ông tốt hơn hay dũng cảm hơn những người khác. Đơn giản là vì ông có nhiều mối quan hệ có thể giúp ích cho công việc mà ông đang đeo đuổi, và ông cần phải làm vậy.
Theo QĐND Online
Tựa bài do Infonet đặt lại