Chân dung "cha đẻ" Cao Sao Vàng nức tiếng một thời ở Việt Nam: Sở hữu thương hiệu đông nam dược vang bóng Trung Kỳ cạnh tranh người Hoa, là lương y tận tâm tận tuỵ
Cao Sao Vàng được biết đến là món đồ "quốc dân" của các gia đình Việt nhưng có lẽ, hiếm ai biết, người đầu tiên tạo ra "dầu cù là" Cao Sao Vàng là ai?
Gắn bó với nhiều thế hệ gia đình Việt nhưng năm 80-90, Cao Sao Vàng vốn chỉ là một chiếc hộp bằng nhôm nhỏ, hình tròn, có hình ngôi sao màu vàng in chính giữa nắp hộp và thân hộp được bao phủ bởi màu đỏ tươi. Món đồ này sẽ được đem ra sử dụng khi có người trong nhà bị nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi, đau bụng, bong gân, hay say tàu xe, côn trùng cắn. Ở một số địa phương, Cao Sao Vàng còn được gọi là "dầu cù là".
Theo thông tin từ báo Nghệ An, cha đẻ của loại "thần dược nhỏ nhưng có võ" này là lương y Phó Đức Thành - một nhân vật xuất sắc và đặc sắc của thành phố Vinh nửa đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến là một lương y, một nhà doanh nghiệp, nhà báo và người hoạt động xã hội sôi nổi, nhiệt thành. Ông là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Vinh (1945 - 1947). Năm 2021, tên ông đã được HĐND tỉnh quyết nghị đặt cho một con đường ở thành phố Vinh.
Lương y Phó Đức Thành, tên húy là Duy Khẩn sinh năm 1880 tại Ninh Bình, quê gốc ở tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ra trong một gia đình nho nghèo nhưng thuộc một dòng họ có truyền thống về đông y. Ban đầu, ông bôn ba khắp nơi, vào Đà Nẵng làm Thư ký Sở Lục Lộ, sau đó lại ra Huế làm việc và kinh doanh nhỏ cùng vợ.
Năm 1926, vì muốn giúp đỡ người anh họ thân thiết Phó Đức Chu nên ông ra Vinh, thành lập và làm quản lý hiệu thuốc đông y Vĩnh Hưng Tường. Do ông Chu mở cửa hiệu buôn bán thuốc bắc ở Hà Nội nhưng không chịu được sự cạnh tranh, chèn ép của người Hoa ở ngay lãnh địa của họ là phố Phúc Kiến, Hà Nội (sau này đổi tên là phố Lãn Ông). Vì vậy, ông Thành tính toán chọn Trung Kỳ - nơi hoạt động đông nam dược của người Hoa không mạnh bằng Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Với tính toán cẩn thận này, từ một hiệu thuốc nhỏ, ông Thành đã cho mua lại tòa nhà của Tòa án Dân sự tọa lạc ngay trước cửa Chợ Vinh để làm trụ sở, diện tích 1200 m2 không chỉ đủ chỗ cho kinh doanh mà còn mở được cả xưởng bào chế. Ngoài ra, Vĩnh Hưng Tường còn cho thuê mở cửa hiệu.
Phương châm kinh doanh của Phó Đức Thành là “mua tận gốc, bán tận ngọn”, tức là ông trực tiếp nhập khẩu thuốc bắc từ Hong Kong sau đó chuyển đến một cơ sở ở Hải Phòng để giải quyết các khâu, đồng thời mở đại lý ở nhiều vùng khắp Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, ông Thành cũng là một người luôn giữ chữ tín với khách hàng cũng như quan tâm đến chất lượng thuốc.
Trước khi là một thương gia giỏi, ông Phó Đức Thành còn là một lương y tận tâm. Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Xuân Hưởng dành tặng danh hiệu cho lương y Phó Đức Thành là “một trí thức yêu nước, danh y của thế kỷ 20”. Ông luôn say mê sưu tầm, phát hiện và nghiên cứu về cây thuốc nam. Đặc biệt, ông đã nghiên cứu được nhiều bài thuốc và bào chế được một số thuốc tốt từ thảo dược Việt Nam, trong đó nổi bật có “dầu cù là” Vĩnh Hưng Tường, mang tên "Vạn Ứng".
Ban đầu, loại thuốc này chỉ là một loại dầu xoa dạng nước, sau đó được chế thêm loại cao đặc, lại đa dạng hóa sản phẩm theo từng mùa. Sau này, khi đã ra công tác ở Bộ Y tế, lương y Phó Đức Thành đã chuyển giao công thức chế biến dầu Vạn Ứng cho Xí nghiệp Dược Phẩm Trung ương 2. Dược phẩm này tiếp tục được Nhà nước giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, nay là Công ty Dược phẩm Trung ương 3 (Hải Phòng), nghiên cứu và sản xuất. Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa được hoàn thiện và được đặt tên là Sao Vàng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tranh cãi cho rằng Cao Sao Vàng được sản xuất dựa theo sản phẩm dầu cù là nhãn hiệu con hổ trắng có xuất xứ Singapore.
Các thành phần của Cao Sao Vàng hiện nay bao gồm long não, sáp ong và các loại tinh dầu qúy của Việt Nam, như bạc hà, quế, tràm, hương nhu. Cao Sao Vàng được chỉ định trong các trường hợp cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, buồn nôn, đau bụng, say tàu xe, bị muỗi và các côn trùng khác đốt dùng ngoài da cho người lớn và cả trẻ nhỏ.
Đại gia thép bị ngân hàng siết nợ cả nhà xưởng, biệt thự, ô tô
Nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo là nhà xưởng, biệt thự, chung cư và xe ô tô có giá trị.
Theo Trí thức trẻ