Chấm chéo thi tốt nghiệp THPT: Có ngăn được tiêu cực?
Ảnh minh họa. Nguồn: Laodong |
Điển hình như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017-2018, dù được đánh giá cao nhất vì thời gian thi ngắn gọn, kết quả nhanh, giảm tốn kém, áp lực cho xã hội song việc gian lận thi cử xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phanh phui sau đó đã khiến dư luận bức xúc, làm ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, tổn thương đến đội ngũ nhà giáo và đối với những nhà quản lý giáo dục ở các địa phương.
Từ những tiêu cực trong thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngành giáo dục đã phải rút ra bài học kinh nghiệm nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia những năm tới. Đồng thời, đưa ra những giải pháp, đề xuất trong đó có việc chấm chéo để đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình.
Tuy nhiên, đề xuất chấm chéo thi tốt nghiệp THPT vừa được đưa ra đã khiến nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh nảy sinh tranh luận trái chiều.
Người đồng tình cho rằng, chấm thi chéo có mặt tích cực là đảm bảo tính khách quan và có thể chấm chéo giữa các địa phương nhưng cần tính toán khoảng cách di chuyển của bài thi, để hoán đổi sao cho hợp lý. Trong số đó, nhiều ý kiến lại cho rằng, cần tăng các biện pháp giám sát như tăng thanh tra hoặc lắp camera quan sát, thay vì chấm chéo.
Trước đây, vào năm 2008, phương án chấm chéo đã được thực hiện. Tuy nhiên sau đó nhiều địa phương đã than rằng, phương án chấm chéo chỉ nhiêu khê, phiền hà mà thực tế điểm chấm vẫn chênh nhau do sự chủ quan của giám khảo, thậm chí còn có hiện tượng địa phương này triệt địa phương khác hoặc thậm chí có việc các tỉnh, thành “bắt tay nhau” điều chỉnh kết quả thi như đã từng xảy ra tại 11 tỉnh ĐBSCL khi hình thức chấm chéo này được triển khai năm 2011.
Thời điểm đó, người ta còn cho rằng, thi cụm, chấm chéo đã không còn tác dụng, cũng chẳng còn ý nghĩa gì.
Khi đó, phương án chấm chéo còn bộc lộ nhiều bất cập như bộc lộ khiếm khuyết là giám khảo giữa các hội đồng chấm thi không đều tay, đặc biệt rơi vào các môn tự luận, xã hội. Cùng với đó, là sự xung đột giữa giám khảo các tỉnh bởi mỗi tỉnh có cách thức làm khác nhau, trong khi tính chủ quan của giám khảo rất cao dẫn đến kết quả khác nhau và xảy ra tình trạng chênh lệch điểm. Hay như việc phải vận chuyển bài thi của thí sinh về các tỉnh, thành quá cực nhọc, nhiêu khê cũng nhận được nhiều ý kiến khi đó.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ GD& ĐT Phạm Vũ Luận khi đó đã quyết định thay đổi cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và bỏ hình thức thi theo cụm, chấm đổi chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh.
Liên quan đến đề xuất thi chấm chéo, PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, bối cảnh tổ chức kỳ thi của những năm trước khác giờ nhiều do hiện nay có thuận lợi về công nghệ. Do vậy, nếu vẫn là chấm chéo nhưng có thể cách thức tổ chức cụ thể sẽ khác.
Theo ông Mai Văn Trinh, với những bài học kinh nghiệm trong quá khứ sẽ được cân nhắc cụ thể để bảo đảm việc chấm thi khách quan, muốn gian lận cũng không thể gian lận được và nếu gian lận thì sẽ bị phát hiện xử lý.
Trên thực tế, sự kiện gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi vừa qua, nhiều cán bộ vi phạm đã bị khởi tố sẽ là bài học đắt giá cho những ai có suy nghĩ gian lận thi cử phải chùn chân và sẽ làm cho cả hệ thống tham gia kỳ thi không được phép chủ quan ở bất kỳ khâu nào của kỳ thi.
Tuy nhiên, việc chấm chéo không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tiêu cực trong thi cử. Bởi không có gì đảm bảo việc chấm chéo nếu giao cho các địa phương phối hợp thực hiện sẽ không nảy sinh tiêu cực và vụ việc 11 tỉnh ĐBSCL 'bắt tay nhau' trong điều chỉnh kết quả chấm thi đã là một ví dụ điển hình trong quá khứ.
Trên thực tế, phương án nào đưa ra để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, chấm dứt tiêu cực thi cử thì cũng cần lấy con người làm trọng. Dù khâu chấm thi rất quan trọng nhưng xét cho cùng vẫn là con người thực hiện. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm thi thì cũng sẽ nảy sinh tiêu cực.
Do đó, ngành giáo dục cần quán triệt các quy định, quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao hạn chế tiêu cực ở mỗi khâu. Đồng thời, cần có sự giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu, đưa ra hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc với các cán bộ tham gia kỳ thi mắc sai phạm. Có làm kiên quyết về mặt con người, mới đảm bảo một kỳ thi tuyệt đối an toàn.
Theo Kiến thức