Cha mẹ tuyệt đối tránh 4 cách pha sữa này để không gây hại cho con
Dùng nước sôi để pha sữa
Để làm cho sữa bột tan nhanh, một số phụ huynh đã trực tiếp sử dụng nước sôi để pha sữa bột cho con, điều này quả thực có thể làm cho sữa bột tan tốt hơn và nhanh hơn, nhưng cũng có nhiều nhược điểm.
Thứ nhất, dùng nước nóng để pha sữa bột dễ làm bé bị bỏng nếu sữa không để nguội đến nhiệt độ cho phép. Thứ hai, nhiệt độ cao sẽ phá hủy các chất dinh dưỡng có trong sữa bột, làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa bột, đồng thời có thể sinh ra một số chất không có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ của bé.
Thực tế, sữa bột ngày nay là sữa uống liền, không cần nhiệt độ quá cao, có thể hòa tan nhanh chóng, hoàn toàn không cần dùng nước sôi. Nhiệt độ pha sữa bột tốt nhất là khoảng 40 độ C, sữa bột sau khi pha xong có thể cho bé uống ngay rất tiện lợi.
Lắc mạnh bình sữa để làm tan sữa bột
Khi pha sữa bột cho con, bạn có lắc mạnh bình sữa để bột sữa tan nhanh?
Cách làm này tuy có thể làm sữa bột tan nhanh nhưng cũng làm tăng khả năng tạo bọt trong sữa bột, do đó khi trẻ uống sữa dễ bị đầy hơi.
Đường tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện dễ dẫn đến tình trạng đầy hơi, trớ, nấc, thậm chí là đau bụng ở trẻ sơ sinh.
Để tránh trường hợp này xảy ra, khi pha sữa bột, tốt nhất chúng ta nên lắc nhẹ bình sữa. Nếu vẫn còn bọt khí, hãy để một lúc cho bọt khí tan bớt. Sau khi bé uống sữa hãy làm động tác cho bé ợ hơi.
Cho sữa bột vào trước, sau đó cho nước vào
Khi pha sữa bột thì nên cho sữa bột hay nước vào trước? Có thể nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến vấn đề này và cảm thấy rằng dù cái nào được thêm vào trước cũng không sao cả.
Như mọi người đã biết, thứ tự thêm bớt cũng rất quan trọng, nếu sai thứ tự sẽ không có lợi cho sức khỏe của em bé. Trình tự đúng là cho nước vào trước, sau đó thêm sữa bột.
Chúng ta đều biết sữa bột cần pha theo tỷ lệ tương ứng, nếu cho sữa bột vào trước thì không thể ước lượng chính xác lượng nước.
Theo cách này, pha quá nhiều nước và không đủ nồng độ sữa bột có thể dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ, ngược lại, nếu quá nhiều sữa bột mà tỷ lệ nước không đủ sẽ làm tăng gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày của trẻ, không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của dạ dày mỏng manh của trẻ.
Vệ sinh bình sữa không đúng cách
Nơi chứa nhiều cặn sữa nhất không phải thân bình mà là núm vú giả, ống hút và những nơi khác, nếu vệ sinh không kỹ, không rửa sạch bình bú, sau một thời gian, những nơi này có thể chứa chấp vi khuẩn. Trẻ bú bình như vậy trong một thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.
Vì sức khỏe của trẻ, bình sữa của trẻ phải được vệ sinh ngay sau khi sử dụng. Khi vệ sinh bình sữa mẹ nhớ tháo rời các bộ phận khác nhau của bình sữa và vệ sinh cẩn thận, tốt nhất nên dùng nước rửa bình sữa chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời cần thường xuyên tiệt trùng bình sữa. Ngoài ra, tốt nhất nên thay núm vú bình sữa cho bé 2-3 tháng/lần.
Để bé lớn lên khỏe mạnh, khi pha sữa cho bé chúng ta cần chú ý đến những chi tiết nhỏ này. Pha sữa cũng như vệ sinh bình sữa không đúng cách sẽ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa cho trẻ, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
Hạ Thảo (theo Sohu)