Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân bị chuột rút khi mang thai và cách phòng tránh
Ngoài ốm nghén, khi mang thai còn có hiện tượng chuột rút ở chân khiến thai phụ khó chịu. Hiện tượng này có khi kéo dài nhiều ngày liên tục và bị nhiều lần trong ngày, nhất là về đêm khiến cho bà bầu không thể ngủ được.
Vậy trước tình trạng chuột rút ở chân, mẹ bầu có cách nào để khắc phục không? Hãy tham khảo các gợi ý của chuyên gia dưới đây.
1. Những nguyên nhân khiến chân bị chuột rút khi mang thai
Chứng chuột rút ở chân chủ yếu xảy ra vào ban đêm hoặc khi bà bầu ngủ dậy vào sáng sớm, khi đó bắp chân và cơ bàn chân co bóp gây đau. Đôi khi mẹ bầu co duỗi sẽ khiến lòng bàn chân, bắp chân hoặc bụng, cơ thắt lưng bị chuột rút cơ.
Khi gặp các triệu chứng chuột rút, suy nghĩ đầu tiên của nhiều người là do thiếu canxi. Trong khi đó, thiếu canxi chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra chuột rút, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác.
Do thiếu canxi
Càng về các tháng sau của thai kỳ, thai nhi càng có nhu cầu cao hơn về các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, lúc này mẹ bầu phải đảm bảo cung cấp đủ lượng canxi cần thiết.
Nếu lượng canxi mẹ bầu nạp vào cơ thể không đủ sẽ làm tăng nguy cơ chuột rút. Lượng canxi trong máu vào ban đêm thấp hơn ban ngày nên chuột rút thường xảy ra vào ban đêm.
Do chế độ ăn uống không hợp lý
Nhiều mẹ bầu cố gắng ăn thịt gà, vịt, cá và liên tục bổ sung các món canh khác nhau để thai nhi hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, một khi bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng và chế độ ăn uống không cân bằng sẽ dễ dẫn đến mất cân bằng các chất điện giải như canxi, magiê và phốt pho,... và gây ra chứng chuột rút.
Điều này là do thịt rất giàu protein, ăn quá nhiều protein sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa carbohydrate, trong đó sản xuất quá nhiều các chất chuyển hóa có tính axit sẽ gây mất cân bằng điện giải. Lúc này chuột rút là biểu hiện của sự mất cân bằng điện giải.
Do áp lực lên chân lớn
Cùng với sự lớn lên của thai nhi, áp lực lên đôi chân mẹ bầu cũng ngày càng tăng. Ngoài ra, sự chèn ép các mạch máu cũng khiến lượng máu cung cấp đến chân giảm đi. Khi mẹ bầu đi lại lâu hoặc đứng nhiều, cơ bắp thường xuyên ở trạng thái mỏi nên ở một mức độ nào đó cũng làm tăng khả năng bị chuột rút chân.
Do tư thế ngủ sai
Mẹ bầu nằm ngửa hoặc nằm nghiêng về bên phải trong thời gian dài dễ gây co thắt cơ, chuột rút. Vì vậy, bà bầu có thể ngủ nghiêng về bên trái nhiều hơn, lâu lâu trở mình, đồng thời cũng nên giữ ấm cho chi dưới để đảm bảo tuần hoàn máu ở chân.
2. Trong trường hợp bị chuột rút ở chân, hãy làm điều này ngay lập tức
Nếu mẹ bầu bất ngờ bị chuột rút ở chân vào một thời điểm nào đó, hãy tìm hiểu các biện pháp cấp cứu sau đây để giảm bớt cơn đau nhé.
- Chuột rút ngón chân cái: Đầu tiên là duỗi thẳng chân bị chuột rút càng nhiều càng tốt, sau đó cố gắng bẻ ngón chân cái về phía đầu.
Nếu ở tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ, các mẹ không tự làm được thì hãy nhờ sự trợ giúp của các bố. Nhân tiện, bạn cũng có thể xoa bóp chỗ bị chuột rút để làm giảm cơn đau.
- Đứng dậy đi bộ bất chấp cơn đau cũng có thể làm giảm các triệu chứng chuột rút.
Chuột rút chân không gây ra các biến chứng khác, ngay cả khi tình trạng đau nhức nặng ở thời điểm đó thì thường sẽ cải thiện trong vòng vài ngày nên không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu đau không chịu được, hoặc đau không khỏi trong vài ngày, kèm theo triệu chứng sưng đỏ, đi lại khó khăn thì bạn nên đến bệnh viện kịp thời.
3. Làm thế nào để ngăn ngừa chuột rút ở chân?
Như câu nói "phòng bệnh hơn chữa bệnh", để tránh bị chuột rút ở chân, chúng ta phải chú ý phòng ngừa bằng các biện pháp dưới đây:
Kéo giãn nhiều hơn: Phương pháp này vô cùng hiệu quả trong việc ngăn ngừa chuột rút ở chân khi mang thai. Bà bầu có thể giảm mức độ nghiêm trọng của chuột rút bằng cách kéo căng cơ chân, tránh để lâu dẫn đến chân bị mỏi.
Bài tập nhỏ cho mẹ bầu: Đầu tiên chọn tư thế đứng, sau đó quay mặt vào tường, đứng cách khoảng 40cm, đặt hai bàn chân bằng phẳng trên mặt đất, nhấc hai tay lên để làm điểm tựa, đồng thời cúi người về phía trước, giữ thẳng chân, đẩy ra sau và xuống thẳng, kéo căng cơ mặt sau của chân.
Tiếp tục thực hiện động tác này trong khoảng 10-20 giây, lặp lại 3-5 lần liên tiếp.
Điều chỉnh tư thế ngủ: Khi mang thai, tử cung cần nhiều máu để nuôi thai nhi khiến quá trình lưu thông máu đến chân chậm hơn, nếu nằm nghiêng cần kê gối cao cho đầu gối và cổ chân.
Tránh làm việc quá sức: Nếu vận động mạnh cơ chân hoặc đi bộ quãng đường quá xa sẽ làm tăng nguy cơ chuột rút.
Chú ý ăn uống cân bằng: Bà bầu cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống điều độ, uống nhiều nước, thực hiện các hoạt động ngoài trời phù hợp.
Hạ Thảo (theo Sohu)