Cha mẹ làm gì ở nhà để khi đi mẫu giáo để trẻ không quấy khóc và nhanh thích nghi
Nếu đứa trẻ có một khái niệm nhất định về “mẫu giáo” thì có thể dễ dàng thích nghi với môi trường nhà trẻ.
Không phải đứa trẻ nào cũng khóc khi vào nhà trẻ. Một số trẻ rất bình tĩnh và nhanh thích nghi với môi trường ở trường mẫu giáo. Và những trẻ này về cơ bản có một số điểm chung: tự tin, kỹ năng xã hội vững vàng, trí tuệ cảm xúc cao và can đảm.
Để con có được những điều này, cha mẹ cần làm những điều sau đây để chuẩn bị tốt cho trẻ trước khi đi mẫu giáo:
Chuẩn bị kỹ năng chăm sóc bản thân cho trẻ
Khả năng tự chăm sóc bản thân của trẻ quyết định phần lớn đến việc trẻ có thể đi học mẫu giáo từ sớm hay không. Nếu ở nhà đứa trẻ không làm gì, phó mặc cho cha mẹ, quen được người khác phục vụ, thì khi đến trường, giáo viên sẽ không thể chỉ tập trung vào đứa trẻ. Khi đó, trẻ sẽ bỡ ngỡ, việc không được giúp đỡ như ở nhà có thể tạo ra khoảng trống tâm lý lớn trong lòng đứa trẻ.
Hơn nữa, khi những đứa trẻ khác có thể tự làm mọi việc cá nhân như tự ăn, tự đi vệ sinh, mà con bạn phải đợi người khác giúp đỡ, có thể sẽ dẫn đến sự cố như đi vệ sinh ra quần. Điều này có thể dẫn đến tâm lý hoảng loạn và sợ hãi, thiếu tự tin vào bản thân. Những cảm xúc này sẽ làm cho đứa trẻ muốn chống lại việc đi mẫu giáo.
Cha mẹ cần chuẩn bị cho con hành trang trước khi đi mẫu giáo để trẻ không quấy khóc và nhanh thích nghi. |
Vì vậy, nếu cha mẹ muốn cho con đi học theo độ tuổi được khuyến nghị (thường là 3 tuổi hoặc sớm hơn), thì trước đó cần phải tập luyện cho trẻ khả năng tự chăm sóc bản thân càng sớm càng tốt. Ví dụ như hơn 1 tuổi có thể tập cho trẻ tự cầm thìa, đến 2 tuổi tập cho trẻ tự đi vệ sinh. Đến khi trẻ nắm vững các kỹ năng này, mọi việc ở nhà trẻ có thể nằm dưới tầm kiểm soát của đưa trẻ và có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường lớp học.
Tập cho trẻ làm quen với hoàn cảnh không có bố mẹ bên cạnh
Một lý do quan trọng khác khiến trẻ em khóc ở nhà trẻ là phải xa cha mẹ và ở trong một môi trường xa lạ. Điều này có thể làm cho trẻ làm thấy hoảng sợ. Do đó, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải chuẩn bị cho con làm quen việc tách biệt với cha mẹ khi con được 2-3 tuổi.
Ví dụ, khi nào bố mẹ đi khỏi nhà khoảng thời gian dài thì nên nói cho con biết thời gian cụ thể để đứa trẻ biết được lúc nào không có bố mẹ và khi nào bố mẹ về: “Mẹ đã đi ra ngoài khoảng 4 giờ, và trở lại vào bữa tối”.
Một vài ngày trước khi con bạn bước vào nhà trẻ, bạn cũng nên nhấn mạnh khái niệm này với con: “Chúng ta sẽ xa nhau trong vài giờ, nhưng khi con tan học, mẹ nhất định sẽ đến đón con”. Với sự chuẩn bị tâm lý như vậy, đứa trẻ sẽ không lo lắng bị bỏ rơi.
Chuẩn bị cho trẻ những kiến thức cơ bản về nhà trẻ
Nếu đứa trẻ có một khái niệm nhất định về “mẫu giáo” thì có thể dễ dàng thích nghi với môi trường nhà trẻ. Bởi vì, khi đó trẻ sẽ không có cảm giác lạ lẫm nhiều khi đến trường, sẽ không cảm thấy trường học là một môi trường hoàn toàn xa lạ.
Để chuẩn bị điều này cho con, ngoài việc thường xuyên nói cho con những điều liên quan đến nhà trẻ, trước khi trẻ đi mẫu giáo, cha mẹ có thể đưa trẻ đến tham quan và trải nghiệm trường học. Trong khi tham quan, cha mẹ nên nhấn mạnh với trẻ về những ưu điểm khi đến trường, về những điều trẻ sẽ được trải nghiệm, như có đồ chơi mới, có bạn mới… từ đó khơi gợi lên sự hào hứng của con đối với nhà trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho con làm quen với nhà trẻ qua những quyển sách, quyển truyện về trường mẫu giáo để cho trẻ có cái nhìn cơ bản về môi trường mới mà con sẽ tiếp cận.
Có thể thấy, việc đứa trẻ tiếp nhận môi trường nhà trẻ như thế nào phụ thuộc không nhỏ vào việc cha mẹ chuẩn bị hành trang cho con trước đó như thế nào. Cha mẹ hãy nhớ thực hiện tốt 3 điều kể trên để mỗi ngày đến nhà trẻ của con là một ngày vui và bổ ích.
Hạ Thảo
Chuyên gia tiết lộ cách cai sữa cho con vô cùng đơn giản mà hiệu quả
Bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế châu Âu Zamakhina cho biết, để cai sữa cho trẻ, cần phải loại bỏ mối liên hệ "ăn-ngủ" theo các biện pháp dưới đây.