"Cây gậy và củ cà rốt" của Mỹ đối với Belarus sẽ làm Minsk quay lưng với Nga?
Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/2 tuyên bố, sẽ kéo dài thêm 9 tháng lệnh cấm vận vũ khí với Belarus, đồng thời tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt đối với bốn cá nhân liên quan đến sự biến mất của phe đối lập Belarus. Theo thông báo của EU, các chế tài trừng phạt cá nhân và lệnh cấm vận vũ khí hiện nay sẽ kéo dài đến ngày 28/2/2021 thay vì hết hạn vào ngày 28/2/2020.
Liên minh châu Âu tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt Belarus. Nguồn: chinanews. |
Thông báo cho biết, trong giai đoạn này, EU sẽ cấm xuất khẩu vũ khí và các thiết bị khác có thể được sử dụng để “đàn áp nội bộ” sang Belarus, đồng thời tiếp tục đóng băng tài sản của bốn cá nhân liên quan trên và cấm nhập cảnh vào châu Âu. Lệnh cấm vận của EU được đưa ra sau khi xảy ra vụ việc bắt cóc các chính trị gia đối lập thời gian 1999-2000.
Năm 2002, EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus và Tổng thống Alexander Lukashenko. Sau đó tháng 2/2016, EU dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt đối với Belarus. EU không gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với 170 quan chức Belarus, gồm cả Tổng thống Lukashenko, và 3 công ty. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí và các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức vẫn được duy trì.
Liên minh châu Âu cáo buộc Belarus vi phạm cam kết dân chủ. Nguồn: Chinanews. |
Giới quan sát cho rằng, lệnh cấm vận của EU có liên quan trực tiếp tới Mỹ, Nga và Belarus có quan hệ rất chặt chẽ, bộ máy lãnh đạo của Belarus nhiều năm qua đều theo đường lối thân Nga. Có những thời điểm, dường như hai bên tiến rất gần đến việc sáp nhập thành một thể thống nhất. Đây là điều Mỹ không mong muốn và luôn muốn chia rẽ Belarus với Nga, nhiều năm qua Mỹ coi các biện pháp trừng phạt Belarus như một lời “cảnh cáo” đối với việc Minsk xích lại gần Nga.
Mỹ dường như đang thực hiện chính sách “cây gậy và củ cà rốt” đối với Belarus, trước khi EU thông báo kéo dài lệnh cấm vận với Belarus, Ngoại trưởng Mỹ cũng đã thực hiện một chuyến thăm “lịch sử” đến Belarus và đưa ra những ưu đãi hấp dẫn với Minsk để Tổng thống Lukashenko xa rời hợp tác với Nga.
Ông Pompeo hội đàm với người đồng cấp Belarus trong chuyến thăm Minsk hôm 1/2. Nguồn: Chinanews. |
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Belarus Vladimir Makei hôm 1/2, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn giúp Belarus xây dựng chủ quyền quốc gia. Những nhà sản xuất năng lượng của chúng tôi sẵn sàng cung cấp 100% lượng dầu các bạn cần với mức giá cạnh tranh”. Không thể không nói, lời đề nghị của Ngoại trưởng Pompeo có sự “cám dỗ” hấp dẫn, ông Pompeo cũng nói rằng, “nếu Belarus mua dầu của Mỹ, dầu do Nga cung cấp sẽ không còn cần thiết”. Tuyên bố này cũng đồng nghĩa với việc làm gián đoạn “cầu nối” quan trọng giữa Nga và Belarus.
Nga lâu nay là nước cung cấp dầu chính cho Belarus. Tuy nhiên, Moscow năm 2020 bắt đầu áp dụng chính sách giá mới, đẩy giá dầu của Belarus lên cao, điều mà Minsk cho là không công bằng. Chính phủ Belarus đang tìm kiếm những nước cung cấp dầu thô mới thay thế cho Nga, nhưng hiện chưa rõ họ có lựa chọn nào tốt hơn không ngay cả sau khi Moscow thay đổi giá. Trong quá khứ, Belarus từng thử chuyển sang nhập khẩu dầu từ Azerbaijan, Venezuela và Iran, tuy nhiên, dầu của Nga vẫn chứng minh được tính cạnh tranh về giá.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Moscow không cho rằng Mỹ và Belarus sẽ trở nên thân thiết hơn. Nguồn: Chinanews. |
Về phía Mỹ, kể từ năm 2008, Mỹ đã không có một đại sứ nào tại Belarus, khi hầu hết các nhà ngoại giao nước này đã bị trục xuất sau khi Washington tuyên bố trừng phạt Belarus về các vi phạm nhân quyền. Nhưng đến nay, Mỹ dường như lại đang muốn khôi phục quan hệ ngoại giao với nước này, trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đang cố gắng hợp nhất với Belarus thành cơ chế Nhà nước liên minh.
Truyền thông Mỹ cho rằng, Nga và Belarus trước đây đã từng thảo luận về việc 2 bên tăng cường hợp tác như một thể thống nhất, nhưng người Belarus lo lắng rằng việc này sẽ tương đương với gia nhập Nga, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến độc lập của Belarus, tuy nhiên, Belarus chưa bao giờ bày tỏ “bất mãn” với Nga.
Nga và Belarus có mối quan hệ thân thiết kể từ khi Liên Xô giải thể cho tới nay. Nguồn: Chinanews. |
Trên thực tế, quan hệ hai bên đặc biệt thân thiết từ sau khi Liên Xô giải thể. Nga vẫn “chăm sóc” Belarus, bán nhiên liệu và khí đốt tự nhiên của mình cho Belarus với giá thấp hơn giá thị trường và gần với giá vốn. Điều này làm cho Belarus trở thành một nhà xuất khẩu dầu và thậm chí xuất khẩu sang Ukraine. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Nga “tức giận” thay đổi giá dầu.
Với đề nghị hấp dẫn hiện nay của Mỹ, Tổng thống Belarus Lukashenko đang thực sự “lung lay”. Các chuyên gia cho rằng, trên thực tế Nga và Belarus có quan hệ rất chặt chẽ, nhưng không có khả năng hai nước sẽ sáp nhập. Belarus cũng đã đổi tên quốc gia của mình để thể hiện lập trường không thuộc Nga, trước đây quốc gia này có tên là Belorussia, sau đổi là Belarus. Do vậy, hợp tác với Nga vẫn nên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Minsk. Nhìn vào tình hình bi thảm hiện nay ở Ukraine có thể thấy, nếu Belarus quay sang phương Tây và Mỹ để trở thành “hòn đá tảng ngáng chân” Nga, Belarus sẽ càng sụp đổ nhanh hơn.