Cắt thi đua nếu tỉ lệ tốt nghiệp cao: Đừng nâng quan điểm quá!
Đó là quan điểm của GS Văn Như Cương trong cuộc trò chuyện với Infonet về quyết định "lạ" của bộ GD-ĐT - cắt thi đua những địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn năm 2012.
GS Cương chỉ rõ: Kiểu trừng phạt như thế khiến tôi hiểu, Bộ GD-ĐT nhắc các Sở, ta tiêu cực thì cũng vừa vừa, đừng có tiêu cực quá mà báo chí nói, dư luận nghi. Thôi chi bằng năm nay ta không để tỷ lệ tốt nghiệp cao quá năm ngoái. Chẳng hạn năm ngoái anh 98% rồi, thì năm nay làm 97% thôi, chứ để kết quả tỷ lệ tốt nghiệp 99% thì người ta nghi, dư luận nói. Theo tôi đây đâu phải là chống tiêu cực, mà đây chỉ là ngành giáo dục bắt hạ tỷ lệ xuống
Theo GS Cương, việc cắt thi đua đâu phải là biện pháp chống tiêu cực của ngành giáo dục |
Tất cả là do bệnh thành tích. Nếu học sinh điểm kém mà thành tích cao thì nên chống.
Tôi nghĩ rằng ngành giáo dục chúng ta phải tạo ra sự quy hoạch hoặc phải có đánh giá là thi. Đã đánh giá phải có thi, mà đánh giá và thi phải đúng thực chất chứ thể để thành tích chủ nghĩa. Vì thế, ngành giáo dục phải nghiên cứu chiến lược và sớm áp dụng vào thực tế, chứ không phải để đến năm 2015 chúng ta mới áp dụng chương trình mới, thi cử mới thì mới tốt được.
Thi cử là cách đánh giá nỗ lực của từng người dạy, từng người thi. Còn hiện nay, chúng ta đang chạy theo người học, mà không đánh giá đúng người học.
Chẳng hạn học sinh không học hoặc không cố gắng, điểm thi của học sinh kém, học sinh phải chịu, chứ không thể để xã hội chạy theo hay nhà trường chạy theo. Như vậy, học sinh mới chủ động, tích cực…
Chứ không thể như hiện nay, ngành giáo dục vẫn đắn đo, học sinh không chịu học song vẫn cứ cho học sinh một số điểm nào đó, như vậy ngành giáo dục sẽ trả một cái giá đắt là học không đúng thực chất, chất lượng giáo dục không đúng như thực tế.
Mà việc dạy và học hiện nay chỉ phục vụ cho việc thi cử… một nền giáo dục học để thi thì sẽ tạo ra một lớp người thi gì học ấy và cũng đồng nghĩa với việc không thi thì không cần phải học. Vì thế chúng ta thật buồn khi nghe tin học sinh cấp 3 reo hò, xé sách giáo khoa, đề cương môn Lịch sử khi năm nay không thi tốt nghiệp môn đó.
Nhà trường đã dạy nhiều môn sáo rỗng, xa rời cuộc sống; Nhồi nhét mớ kiến thức không sát thực tế, rối rắm; Hay những câu từ khuôn sáo cốt đạt điểm thi cao trong thi cử, cách làm đó sẽ tạo ra nền giáo dục ứng thí chứ không tạo ra nền giáo dục học cái cần có để ra ngoài xã hội biết cách làm việc. Phần học để trở thành một con người có nhân cách thì bị lãng quên.
Thực trạng của nền giáo dục ở ta là vậy, muốn giáo dục phát triển chúng ta cần bỏ ngay mớ kiến thức đang cố nhồi nhét cho con em ta. Dành nhiều thời gian hơn cho việc dạy người, tức là dạy làm người.