Cảnh sát Đức điều tra 11 nghìn trường hợp làm hộ chiếu tiêm chủng giả
Hoạt động kinh doanh ngầm trong việc làm và bán hộ chiếu Covid giả đang phát triển ở Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU).
Tờ Tageszeitung đưa tin, các nhân viên thực thi pháp luật Đức đang kiểm tra hơn 11 nghìn trường hợp gian lận giấy chứng nhận tiêm chủng. Riêng bang Bavaria chiếm 3.070 trường hợp và đây chỉ là một phần nhỏ trong số những tội ác đã được giải quyết.
Theo đó, một nhóm trong số những người đăng tin trên mạng xã hội đã thu thập được 73 nghìn người đăng ký, công khai cung cấp hộ chiếu để tiêm phòng mà thực chất không cần tiêm phòng với giá 150 euro và thanh toán bằng tiền điện tử. Trong khi, trên một số nền tảng trực tuyến khác, “bảng giá” lên đến 350 euro.
Cảnh sát Đức điều tra 11 nghìn trường hợp làm hộ chiếu tiêm chủng giả. (Ảnh: News.sky) |
Các nhà điều tra cho biết, hộ chiếu tiêm chủng giả đang phát triển mạnh không chỉ ở không gian mạng trực tuyến. Ở thành phố Kassel, cảnh sát đã thu giữ 800 mẫu tiêm chủng từ một chủ quán rượu “có tinh thần kinh doanh vượt xa dịch vụ ăn uống”.
Cảnh sát bang Saarland vừa cách chức một nữ sĩ quan đã đóng dấu và bán hộ chiếu Covid với “người tình”.
Bên cạnh đó, một người đàn ông 41 tuổi từ Nuremberg và một cư dân 36 tuổi của Memmingen đã bị bắt giữ, cả hai đều có rất nhiều chứng chỉ giả mạo với con dấu, chữ ký và hình ảnh ba chiều.
Tuy nhiên, đến nay các phương tiện truyền thông Đức vẫn chưa đưa tin về những người mua hộ chiếu tiêm chủng giả.
“Các chính trị gia nhận ra quy mô của vấn đề này quá muộn, cho đến cuối tháng 11, hành vi giả mạo chứng chỉ tiêm chủng vẫn chưa bị trừng phạt theo luật định”, Tageszeitung cho biết.
Sau khi sửa đổi Bộ luật Hình sự về tội “buôn bán thương mại” hộ chiếu Covid giả ở Đức, công dân vi phạm có thể bị phạt tù tới 5 năm. Đối với việc xuất trình hộ chiếu như vậy trong hiệu thuốc để lấy chứng chỉ điện tử trên cơ sở đó, công dân vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù 2 năm. Tuy nhiên, hiện nay các quan chức thực thi pháp luật mới chỉ tiến hành các chiến dịch cảnh báo.
Ở nước láng giềng Áo, hình phạt khắc nghiệt nhất đối với việc làm giả hộ chiếu Covid là phạt 1.600 euro. Mặc dù về lý thuyết, công dân có thể bị phạt tù 1 năm cho hành vi này. Tuy nhiên, thực tế việc tố tụng hình sự khó khăn hơn nhiều.
“Bị cáo sẽ được đưa vào hồ sơ tội phạm. Sau đó, việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội tìm kiếm công việc”, văn phòng công tố Salzburg thừa nhận.
Trong khi đó, chính phủ bang New South Wales của Australia mới đây đã ban hành hình phạt đối với hành vi giả mạo y tế và cố gắng sử dụng chúng để đến các quán bar, câu lạc bộ và các cơ sở khác. Thời hạn tù là 6 tháng và tiền phạt lên tới 11 nghìn euro.
Thanh Bình (lược dịch)
Nhiều quốc gia xây dựng ‘tuyến phòng thủ’ chống lại Omicron
Trong bối cảnh sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron, các quốc gia đang áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chống lại “dị nhân” của Covid-19 vào đêm giao thừa.