"Cảnh nóng" trong phim Việt
Cảnh nóng của Ngô Thanh Vân và Johny Trí Nguyễn trong phim Bẫy Rồng. |
Trong phim Việt Nam, những cảnh nóng được coi là “bạo tay” nhất trước đây có lẽ thuộc về cảnh Chí Phèo chộp ngực Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy (năm 1982) hay cô gái bán hoa với vòng một căng tròn tắm và khỏa thân trên thuyền trong Cô gái trên sông (1987) do nghệ sĩ Minh Châu đảm nhiệm. Dư luận ngày ấy cũng rất khắt khe với các cảnh nóng. Nghệ sĩ Đức Lưu (người đóng vai Thị Nở) chia sẻ: “Thời điểm đó chưa có phim nào xuất hiện những cảnh nóng ở mức như thế. Trong quá trình kiểm duyệt, nhiều người cho rằng cảnh Chí Phèo chộp ngực Thị Nở như trên phim sẽ ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, lối sống của thanh niên. Họ đã đề nghị cắt bỏ những cảnh này. Cuối cùng, đích thân Tổng bí thư Trường Chinh lúc đó trực tiếp xem và nhận xét thẳng thắn: “Cắt cảnh này đi còn gì là phim!”. Nhờ đó, cảnh nóng này mới được giữ lại.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng, phim Số đỏ (1990) đã tạo cơn chấn động mạnh. Trong phim, các diễn viên đóng vai cô Hoàng và cô Tuyết đã có những cảnh khỏa thân hoàn toàn. Không những thế, những cảnh ân ái của nhân vật Xuân tóc đỏ cũng được quay khá táo bạo. Vì thế, bộ phim đã bị cấm chiếu một thời gian trước khi được ra rạp. Đạo diễn Trần Quốc Trọng - người thủ vai Xuân tóc đỏ - sau này chia sẻ, những ngày phim ra rạp chiếu là những ngày hạnh phúc nhất của đoàn làm phim, vì lần nào cũng “cháy” vé. (VTC News)
Cuộc “cách mạng tình dục” (những thay đổi trong quan niệm xã hội và những quy tắc biểu hiện liên quan đến tình dục) ở phương Tây những năm 60-70 của thế kỷ trước đã đem đến một cái nhìn cởi mở hơn rất nhiều trong nghệ thuật. Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật có sức phổ biến nhanh nhất, mạnh nhất và sâu rộng nhất. Có lẽ vì thế, những cảnh nóng trong phim cũng táo bạo hơn và người xem cũng bớt khe khắt hơn. Song dù thế nào đi nữa, ở các nước phương Tây có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, họ vẫn có cơ quan kiểm duyệt, phân loại phim, hạn chế tối đa những cảnh nóng. Giữa phương Đông và phương Tây vẫn có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có những phim gây tiếng vang, thậm chí đoạt những giải cao ở Liên hoan phim quốc tế vẫn bị cấm chiếu ở các rạp Ấn Độ, Trung Quốc, thậm chí ở một số bang của Mỹ... vì những cảnh nóng trong phim gây tranh cãi.
Ranh giới giữa sự gợi cảm đầy tính thẩm mỹ với sự gợi dục thô thiển là rất mong manh. Đạo diễn chỉ cần non tay một chút, dễ dãi chiều theo thị hiếu tầm thường để cứu vãn nội dung một bộ phim nhạt nhòa, khán giả sẽ nhận ra màn “câu khách” trở nên khiên cưỡng, vụng về thậm chí khôi hài. Đạo diễn người Pháp Jean-Jacques Anaud từng kể rằng, khi quay những cảnh nóng trong phim Người tình (1990), ông không quay ở Sài Gòn mà quay tại một studio ở Paris (Pháp). Bởi chỉ ở đó mới có những nhà thiết kế bối cảnh tài ba, những nghệ sỹ hóa trang điệu nghệ, những kỹ thuật viên chiếu sáng lành nghề và những loại máy quay hiện đại nhất mới có thể diễn tả những rung động, những biểu cảm trần thế một cách nghệ thuật chứ không dung tục, thô thiển.
Phim Việt gần đây cũng đang có hiện tượng xuất hiện cảnh nóng tràn lan, những màn phô diễn táo bạo. Còn nhớ bộ phim Chuông reo là bắn (2007) sau khi công chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc đã được khán giả đặt tên thành “Chuông reo là cởi” bởi bộ phim có quá nhiều cảnh nóng và được quay cẩu thả, phản cảm. Một trong những điểm khiến cảnh “nóng” thất bại trên phim Việt là do yếu tố kịch bản thiếu logic. Chuyện giường chiếu là câu chuyện gần gũi và chân thật với cuộc sống vợ chồng song khi được đưa lên phim Việt đôi khi khá vụng về, sống sượng. Tuy vậy cũng có một số bộ phim sử dụng cảnh nóng khá thành công. Tôi từng xem bộ phim Áo lụa Hà Đông (2006) có cảnh nóng của vợ chồng cô Dần. Góc quay đã khéo léo chọn ánh sáng ảo mờ, những hạt mưa li ti, đôi chân trần run rẩy tạo được tính thẩm mỹ cao, ít có phim Việt nào đạt được. Với Cánh đồng bất tận, cảnh nóng của Dustin Nguyễn và Đỗ Hải Yến cũng được xử lý một cách khá tinh tế, đặc biệt là phần ánh sáng và tránh được những lỗi phản cảm mà phim Việt thường mắc phải.
Để yếu tố nghệ thuật trong cảnh nóng được nâng cao, đòi hỏi người làm phim cần có văn hóa. PGS.TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Phim truyện thế giới và ở Việt Nam đều phải đặt ra và giải quyết một cách thẩm mỹ mọi cảnh quay, kể cả cảnh nóng thì bộ phim mới có thể có một đời sống tử tế và lâu dài trong tâm trí người xem”.
Theo VŨ THANH HOA/Báo Bà Rịa - Vũng Tàu