Trẻ bị điện giật do bình nóng lạnh, khuyến cáo của chuyên gia
Tháng 9/2021, một cháu bé 10 tuổi ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đã tử vong khi ở nhà học bài online. Cháu đã lấy một vật kim loại dùng lấy ráy tai cắm vào cục sạc máy tính dẫn tới điện giật. Khi xảy ra tai nạn, cha mẹ của cháu không có ở nhà. Đây là một sự việc đáng tiếc nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ về việc cho trẻ thoải mái sử dụng thiết bị điện tử trong gia đình.
Ngày 10/11, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết khoa cấp cứu một trường hợp bệnh nhi 10 tuổi bị điện giật. Trẻ bị điện giật trong lúc tắm có sử dụng bình nóng lạnh.
Theo bố mẹ của bệnh nhi, buổi sáng đi làm cha mẹ bật bình nóng lạnh, bé ở nhà 1 mình tắm. Khi cha mẹ đi làm về đã thấy con nằm bất động ở nhà vệ sinh, tay còn cầm vòi hoa sen. Bố mẹ ngay lập tức đưa con đi cấp cứu.
Bệnh nhi được đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn, bác sĩ đo Spo2 cũng không được. Bệnh nhi được ép tim cấp cứu ngừng tuần nhưng sau nhiều nỗ lực bác sĩ cũng không thể cứu được bệnh nhi.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy cũng cấp cứu 1 bệnh nhi 7 tuổi bị điện giật. Theo người thân bé ở nhà một mình và lúc ăn con tò mò lấy thìa kim loại chọc vào ổ cắm điện dẫn tới bị điện giật ngưng tuần hoàn, ngừng thở.
Điện giật còn gây bỏng cháy bàn tay và chân của trẻ. Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhi trong 60 phút nhưng không thiết lập lại được tuần hoàn cho bệnh nhi.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Thái Sơn – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điện giật là tai nạn thương tích khá phổ biến. Trẻ em đa phần bị điện giật đều xảy ra tại gia đình. Tai nạn điện giật ở trẻ em là một tai nạn sinh hoạt thường gặp do sự xao nhãng, bất cẩn của các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc con.
BS Sơn cho rằng tai nạn điện giật hoàn toàn có thể phòng tránh được. Theo hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên thiết kế đường điện an toàn theo tiếu chí ngôi nhà an toàn cho trẻ.
Nếu trong gia đình nên sử dụng thiết bị ngắt mạch tự động (automata). Khi có sự cố chập điện, cháy, dòng điện sẽ tự ngắt nhờ thiết bị này. Việc lắp đặt thiết bị chống quá tải và chống giật có chi phí thấp nhưng rất hữu ích trong việc bảo vệ con người và tài sản.
Hệ thống ổ cắm trong nhà nên được lắp đặt ở các vị trí che khuất. Với những ổ cắm chưa sử dụng nên được bọc bởi các tấm chắn để ngăn chặn sự vô tình tiếp xúc với dòng điện. Đặc biệt lưu ý đối với những gia đình có con nhỏ.
Trong nhà bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra và thay thế các thiết bị điện hư hỏng. Một số dấu hiệu cần kiểm tra ngay: thiết bị phát ra những tia lửa nhỏ, vỏ bọc dây điện bong tróc, thiết bị điện trở nên nóng bất thường, có mùi khét khi sử dụng…
Các thiết bị điện trong gia đình nên lắp đặt tránh xa nguồn nước, nơi ẩm thấp, bởi nếu rò điện sẽ rất dễ gây điện giật.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa tất cả các thiết bị có dấu hiệu hư hỏng. Luôn luôn giữ cho các thiết bị điện không tiếp xúc với nước.
Tuyên truyền và giáo dục cho trẻ nhỏ hiểu mức độ nguy hiểm của điện giật, các nguyên tắc an toàn trong sử dụng điện.
Khi trẻ bị điện giật, nguyên tắc cấp cứu là chấm dứt nguồn điện bằng cách cắt cầu giao hoặc lấy vật dụng không dẫn điện tách nguồn điện ra khỏi trẻ.
Khi tiếp cận được trẻ, bạn nên đánh giá nạn nhân nhanh chóng bao gồm các đánh giá theo RABC: ý thức, đường thở, hô hấp, tuần hoàn.
Trường hợp nạn nhân mất ý thức, mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được, ngừng thở cần cấp cứu ngừng tuần hoàn (CPR) ngay lập tức bằng cách ép tim ngoài lồng ngực (vị trí 1/2 dưới xương ức, tần số ép 100 -120 l/ph), hà hơi thổi ngạt theo chu kỳ: 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Gọi sự trợ giúp từ người xung quanh và gọi hỗ trợ của y tế gần nhất.
Khánh Chi