Hiểm hoạ tai nạn thương tích từ đồ chơi trẻ em
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các ca tạn nạn thương tâm từ đồ chơi của trẻ em.
Trường hợp của L.Q.T.T (3 tuổi, trú tại TP.HCM) được đưa vào cấp cứu với tai nạn thương tâm do thanh sắt ở đồ chơi cắm vào đầu vùng thái dương. Theo gia đình, bé đang chơi thì ngã vào xe ô tô đồ chơi và que sắt ở chiếc xe này cắm vào vùng thái dương.
Ngay sau đó, bé được gia đình đưa vào bệnh viện gần nhà và chuyển đến BV Nhi đồng 2. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho bé nhập viện và chụp CT để đánh giá tổn thương sau đó cho bé mổ cấp cứu.
Các bác sĩ xác định 3 cấu trúc kim loại dạng ống cắm vào đầu bé, trong đó có 1 ống cắm vào xương sọ, 1 ống nằm vào sát mô mềm, ống còn lại nằm dưới da. Đây là tai nạn vô cùng đáng tiếc, nếu thanh sắt xuyên sâu hơn vào não của trẻ có thể khiến trẻ bị tổn thương não.
Hay một trường hợp khác đó là một bé trai tên Lê K. 6 tuổi bị anh trai dùng súng hơi đồ chơi có đạn bắn vào lưng. Khi vào cấp cứu bác sĩ đã cho trẻ chụp CT ngực và tiến hành làm các xét nghiệm mổ cấp cứu cho bé. Tuy niên, trường hợp này rất đáng tiếc hai chân đã liệt hoàn toàn.
BSCK II Đăng Xuân Vinh, Phó khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cho biết bệnh nhân rối loạn cơ vòng và hai chân liệt hoàn toàn. Đầu đạn nằm ở vị trí cột sống C 8 viên đạn xiên ngang làm tổn thương tuỷ sống nên có thể để lại di chứng.
Súng hơi nguy hiểm cho cả trẻ em và người lớn, việc tàng trữ súng hơi, sử dụng vũ khí thiết bị gây nổ tại nhà là hành vi bị cấm.
Một trường hợp khác là bé trai 4 tuổi, nhập viện vì khò khè kéo dài 4 tháng, khám và điều trị nhiều nơi vẫn không đỡ. Bé được chụp CT scan ngực ở bệnh viện tuyến trước phát hiện ở phế quản gốc phải có bất thường, nghi có vật lạ trong lòng phế quản nên chuyển Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM.
Tại đây các bác sĩ đã tiền hành nội soi phế quản bằng ống soi mềm và gắp ra dị vật là một mảnh nhựa đồ chơi cho bé. Mẹ cũng không biết là bé đã hít dị vật vào đường thở khi nào, chỉ nhớ là cách đây 4 tháng thấy bé có ho sặc và khò khè sau khi chơi đồ chơi một mình.
TS.BS Hà Văn Thiệu, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết không chỉ hóc dị vật từ đồ chơi vào trong đường hô hấp hay các tai nạn thương tích khác từ đồ chơi mà khoa Tiêu hoá cũng gặp nhiều trường hợp trẻ nuốt phải đồ chơi như nuốt các vật nhỏ nhỏ ở hình lego, nuốt picachu, đặc biệt trẻ nuốt pin, nam châm từ các loại đồ chơi khá phổ biến.
Nhiều trẻ dính ruột, hoạt tử ruột khi nuốt phải nam châm từ đồ chơi do bản chất nam châm có thể hút nhau khi vào trong ruột chúng vẫn hút nhau và gây thủng ruột.
Để phòng tai nạn từ đồ chơi cho trẻ, bác sĩ Thiệu khuyến cáo phụ huynh nên chọn đồ chơi an toàn cho trẻ, đồ chơi phù hợp với từng lứa tuổi của trẻ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ở gia đình, phụ huynh hải quản lý đồ chơi của trẻ nhất là các vật dụng có kích thước nhỏ.
Các bác sĩ cũng cảnh báo đến phụ huynh hãy thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ. Ngoài việc phòng ngừa những đồ chơi độc hại đối với trẻ, quý phụ huynh còn chú ý đến việc các đồ chơi có thể gây ra tai nạn cho trẻ.
Cần tập cho trẻ thói quen dọn dẹp đồ chơi ngăn nắp, nên có kệ cho trẻ để đồ chơi, tránh vứt lung tung, không ngậm đồ chơi, hay nhét đồ chơi vào các lỗ tự nhiên trên cơ thể, tránh tháo lắp các chi tiết trên đồ chơi.
Nên lưu ý, cách phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là sự quan tâm chú ý của phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ, kể cả lúc trẻ chơi. Chỉ một phút bất cẩn là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ.
Nếu phát hiện con trẻ nuốt dị vật, cần bình tĩnh xử trí. Tuyệt đối không dùng tay moi hay dùng nước để đẩy xuống dạ dày.
Bởi vô tình sẽ đẩy dị vật vào sâu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Phụ huynh nên nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.
K.Chi