Đề phòng trẻ bị bỏng khi xem cha mẹ nướng mực
BS Nguyễn Thống – Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội chia sẻ tại khoa ông thường xuyên gặp các trường hợp trẻ nhỏ bị tai nạn bỏng cồn mà nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ bất cẩn trong lúc nướng mực/cá.
Trường hợp của bé Nguyễn Thanh H. (2,5 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) được cha mẹ đưa vào cấp cứu với tình trạng bỏng nặng ở mặt, tay.
Theo ba của bé H. thấy ba đang nướng mực nên đã đến xem. Khi ba của bé tiếp thêm cồn vào nướng thì bất ngờ cồn bắn ra và lửa theo cồn bén lên váy của bé khiến bé bỏng nặng.
Sau khi được điều trị hồi sức bỏng, các bác sĩ cho biết bé H. phải thực hiện ghép da vì vùng bỏng ở tay quá nặng.
Hay trường hợp khác là 3 trẻ bao gồm cả con và cháu của anh Nguyễn Viết Định (Từ Sơn, Bắc Ninh) đều bị bỏng chỉ vì 3 đứa trẻ đứng xem ông nướng mực bằng cồn. Khi đang nướng mực bất ngờ gió thổi mạnh tạt cồn vào những người xung quanh khiến 3 bé bị bỏng. May mắn, cả 3 bé đều bỏng nhẹ ở vùng ngực, chân.
Trường hợp nữa là trẻ 26 tháng tuổi nhà gần Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đứng xem mẹ nướng mực. Khi lửa gần tắt người lớn dùng chai cồn xịt thẳng vào đám cháy khiến lửa bùng lên. Hoảng hốt, người nướng mực đã ném chai cồn ra khiến cồn vương vãi và bén cháy sang cả cháu bé đang đứng đó xem. Cả hai mẹ con đều bỏng nặng vùng tay, chân, cổ.
Theo các bác sĩ, với hành động nướng mực bằng cồn rất đơn giản nhưng nó lại lại tiềm ẩn nguy hiểm bị bỏng nhất là những người có thói quen sử dụng đổ cồn ra đĩa, chảo khi hết cồn lại xịt thêm cồn và lửa bén lên quần áo gây cháy và bỏng nặng cả ở người lớn và trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết hầu hết các ca bỏng cồn nhập viện đều do nướng mực. Các tai nạn này rải rác quanh năm, nhưng gặp nhiều nhất vào mùa hè khi người dân đi nghỉ mát, mua mực khô về nhà, cơ quan để làm quà.
Do người dân không có kiến thức đầy đủ về phòng cháy do cồn nên nhiều trẻ em đã bị bỏng lây. Đặc biệt, có trẻ nhập viện điều trị bỏng đã nặng.
Bỏng cồn là cồn cháy trên da hoặc vảy lên quần áo nên các điểm cháy do bỏng cồn thường bỏng rất sâu. Bỏng do cồn thường lốm đốm chỗ nông, chỗ sâu. Bỏng nông sau khi khỏi thường để lại những rối loạn sắc tố da kéo dài, còn bỏng sâu để lại di chứng sẹo bỏng.
Để phòng tránh bỏng cồn, BS Thống khuyến cáo khuyến cáo người lớn không nên dùng cồn nướng mực. Thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô rất nguy hiểm, trong tích tắc có thể khiến bạn và những người xung quanh bị bỏng. Việc điều trị bỏng cồn cũng tốn kém và thời gian điều trị kéo dài hàng tháng.
Nếu bạn cần nướng đồ ăn nên sử dụng bếp than hoặc bếp lửa. Ngoài ra, nếu sử dụng cồn bạn cần quan sát thật kỹ lửa cồn, không nên tiếp cồn khi lửa đang cháy, nên thực hiện ở vùng kín không có gió, không cho trẻ con đứng lại gần vùng nướng mực.
Khi bị bỏng lửa cồn cần sơ cứu ban đầu như sau: Bạn nên cởi bỏ quần áo, giày dép, vật dụng gây bỏng. Ngâm vết bỏng vào nước mát từ 16 – 20 độ C càng sớm càng tốt. Dùng băng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch che vết bỏng và đưa trẻ tới cơ sở chuyên khoa bỏng gần nhất để tránh hậu quả di chứng về sau.
Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc lá, nước mắm, kem đánh răng để bôi vào vết bỏng. Bác sĩ Thống cho biết tốt nhất là dùng nước sạch không cần phải bôi thêm gì vào vết bỏng. Không làm vỡ bỏng rộp nước tránh làm nhiễm khuẩn vết thương.
Không nên sử dụng các loại dầu như dầu ô liu, dầu bơ bôi lên vết bỏng. Các cách này đều là sơ cứu sai lầm. Thậm chí, bôi lòng trắng trứng lên vết bỏng cũng có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng da sau bỏng.
Để phòng bỏng, bác sĩ Thống cho biết trong gia đình bạn nên để tất cả các vật có nguy có gây hại như nước sôi, vật sắt nhọn ở xa tầm tay trẻ, không được lơ là mà nghĩ rằng trẻ không thể với tới.
Khánh Chi