Cảnh báo ngộ độc nấm vào mùa Xuân
Đầu năm cũng là thời điểm mùa Xuân đến, tại các trung tâm chống độc hầu như đều là thời điểm ghi nhận các ca ngộ độc nấm, nhiều trường hợp tử vong vì ăn phải nấm lạ.
Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm). Độc tố có thể thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu và thường gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, rất phức tạp và khó tiên lượng.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, vào mùa Xuân với thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Ngộ độc nấm chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc.
Trung bình hàng năm, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca ngộ độc nấm, con số tử vong cũng khoảng vài chục người.
TS Dũng cho biết, mùa Xuân là thời điểm nấm phát triển rất nhanh, người dân thường hái về ăn. Năm nào các cơ quan cũng tuyên truyền người dân không được ăn nấm tự nhiên nhưng số ca ngộ độc nấm vẫn xảy ra rải rác. Ngộ độc nấm thường xảy ra có tính gia đình vì cùng nhau nấu nấm và ăn.
TS Dũng chia sẻ, có những gia đình cả nhà có 9 người thì 8 người tử vong vì ngộ độc nấm. Ngộ độc nấm điều trị vô cùng tốn kém. Bệnh nhân phải điều trị bằng các phương pháp hồi sức tích cực.
Ảnh minh họa. |
Bản thân TS Dũng đã nhiều lần xuống tận địa phương ở các tỉnh miền núi để hướng dẫn tuyên truyền cho bà con đừng ăn nấm hoặc phân biệt các loại nấm độc khác nhau. Tại Cao Bằng, TS Dũng đã thu thập khoảng hơn chục loại nấm khác nhau về nghiên cứu, tìm hiểu vì sao nấm lại có tác dụng ngộ độc nhanh như vậy. Đặc biệt là nấm tán trắng là loại nấm chứa độc tố amatoxin gây ngộ độc nguy hiểm nhất.
Ngộ độc nấm chia làm hai loại ngộ độc nhanh và ngộ độc chậm. Trong đó nấm gây ngộ độc chậm sau 6 giờ đồng hồ khi ăn nấm là nguy hiểm nhất bởi lúc này độc tố đã gây tổn thương gan, rối loạn đông máu, người bệnh dễ chết trong tình trạng suy đa phủ tạng.
Còn nấm gây ngộ độc nhanh sau khi ăn như nôn ói, đau bụng đi ngoài thì không nguy hiểm, chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa.
Khi có dấu hiệu ngộ độc nấm, bác sĩ Dũng cho rằng cần nôn ra hết những thực phẩm đã ăn. Có thể lấy bàn chải đánh răng đưa vào họng để gây nôn. Không nên thử cho động vật ăn nấm trước rồi mình ăn sau bởi thực tế nếu nấm ngộ độc chậm thì ăn xong gà, chó vẫn không có dấu hiệu của ngộ độc ngay.
Theo Chi cục An toàn thực phẩm của tỉnh Hà Giang, năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra 2 vụ ngộ độc do ăn nấm độc với 5 người mắc, trong đó có 1 vụ 4 người cùng 1 gia đình tại huyện Hoàng Su Phì khiến cả 4 người đều đã tử vong.
Năm 2021, để chủ động phòng ngộ độc nấm, Chi cục An toàn thực phẩm của tỉnh đã tăng cường truyền thông để người dân không ăn nấm dại. Chỉ sử dụng nấm khi chắc chắn biết nguồn gốc nấm trồng, kể cả nấm có màu trắng.
Người dân không ăn thử nấm, dứt khoát không ăn nấm khi còn nghi ngờ, đặc biệt, tất cả các hình thức thử độc tố của nấm trước khi ăn trong dân gian đều không đúng. Không ăn nấm khi đã thối, ôi thiu. Không hái nấm chưa xòe mũ, nấm tươi tự trồng cũng không nên để ôi vì có thể hình thành độc tố gây ngộ độc.
Xử trí ngộ độc nấm:
Theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ngay khi có triệu chứng ngộ độc nấm phải gây nôn, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời: Rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính sớm.
Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế.
Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại mang tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
Các loài nấm thuộc nhóm có các độc tố khác nhau nhưng đều gây ra các triệu chứng buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi... Triệu chứng đầu tiên xuất hiện từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn nấm (trừ loài nấm vàng, triệu trứng xuất hiện muộn từ 5 đến 10 giờ) và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá thường kéo dài 2 - 3 ngày (tuỳ theo loài nấm và số lượng nấm đã ăn). Những trường hợp bị ngộ độc nặng có thể xuất hiện những dấu hiệu mất nước và chất điện giải dẫn đến tử vong do trụy tim mạch. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
PV
Vì sao học sinh ăn cánh gà rán lại ngộ độc?
Vi khuẩn gây ngộ độc hàng loạt salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ nào?
Salmonella nhiễm vào thực phẩm như thế nào?
Nghiện món vạn người mê, cụ bà bị kén sán ken đặc khắp cơ thể
Hà Nội tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phòng chống thuốc giả
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cách chọn bánh trung thu an toàn
Chống thuốc và thực phẩm chức năng giả, cần sự đồng hành của người tiêu dùng
Mỳ xốt tôm chua cay bị Đài Loan trả lại để tiêu huỷ, chất Ethylene Oxide độc hại ra sao?
Mua mỹ phẩm ở chợ, bệnh nhân nhập viện cầu cứu bác sĩ
Theo các bác sĩ da liễu nhiều người tin tưởng lời quảng cáo mua mỹ phẩm về dùng dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã ra thông báo về Chương trình thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani của Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam.