Cảnh báo mất an toàn, vệ sinh lao động trong xây dựng
Thống kê của Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Khánh Hòa cho thấy, từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2017, đã có 9 người chết do tai nạn lao động. Năm 2016 toàn tỉnh có 140 vụ tai nạn lao động làm chết 11 người và bị thương 129 người.
Dựa trên biên bản điều tra, lĩnh vực để xảy ra tai nạn lao động chết người nhiều nhất gồm: Xây dựng chiếm 23,8% tổng số vụ tai nạn và 24,5% tổng số người chết; Khai thác khoảng sản chiếm 11,4% tổng số vụ và 12,9% tổng số người chết; Sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 7,4% tổng số vụ và 7,9% tổng số người chết….
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc bảo đảm an toàn trên các công trình xây dựng, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại 37 công trình xây dựng cao tầng trên địa bàn tỉnh.
Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động tại các công trình như: Không có bao che các hố sàn, rìa mở cầu thang, lan can công trình, lắp đặt biển báo biển cấm, lưới chống vật rơi ở những nơi nguy hiểm; Không thực hiện nối trung tính vỏ kim loại của máy, thiết bị điện, dây điện để trực tiếp trên sàn, trên giàn giáo, trên các bộ phận dẫn điện khác của công trình dẫn đến nguy cơ điện giật là rất cao.
Một số nhà thầu thi công chưa thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, không bao che bộ phận chuyển động của máy, thiết bị thi công; Công tác tự kiểm tra, rà soát, đánh giá, khắc phục các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc chưa được quan tâm và việc kiểm tra thiết bị, các máy móc, kho tàng còn hạn chế, chưa đúng theo quy định (không có biên bản kiểm tra, nội dung kiểm tra không cụ thể…).
Các nhà thầu thi công cũng chưa quan tâm để thực hiện các chế độ, quyền lợi cho người lao động làm việc trên các công trường như huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe trước khi bố trí công việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng hiện vật.
Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trên các công trường xây dựng nhằm phòng tránh tai nạn lao động, đoàn kiểm tra đã yêu cầu các nhà thầu thi công và chủ đầu tư nên lựa chọn nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt là phải có hồ sơ chứng minh thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động.
Phối hợp với các nhà thầu thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Đình chỉ thi công khi phát hiện nhà thầu vi phạm các quy định về an toàn lao động làm xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động,yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo an toàn lao động trước khi cho phép tiếp tục thi công.
Các nhà thầu thi công phải thực hiện ngay các biện pháp để khắc phục 3 yếu tố có nguy cơ cao nhất xảy ra tai nạn lao động trên công trường là ngã từ trên cao, điện giật và vật rơi, đổ sập công trình. Đồng thời phải phải tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động để trang bị kiến thức cho người lao động trong việc phòng ngừa tai nạn lao động; khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc (không bố trí những người có thể lực yếu, phụ nữ có thai, người có bệnh về tim, huyết áp, tai điếc, mắt kém làm việc trên cao) và khám định kỳ theo quy định.
Xây dựng là lĩnh vực để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, gây chết người nhiều nhất, có nhiều nguy cơ nhất. Việc thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại công trình xây dựng cần được quan tâm đặt lên hàng đầu.
Người sử dụng lao động và người lao động trong lĩnh vực xây dựng cần nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, phải xem việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động là công tác thường xuyên, liên tục.
Có như vậy mới loại bỏ được những nguy cơ tai nạn, yếu tố nguy hiểm, giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn lao động trong các công trình xây dựng.