Cẩn trọng lạm phát "leo dốc"
Đây là những ý kiến vừa được nêu lên tại hội thảo “Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013” do Học viện Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức ngày 11/7.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam đánh giá, với mức tăng của 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm chỉ số sẽ tăng cao hơn do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện... nhưng mục tiêu lạm phát cả năm có thể sẽ đạt được.
Thừa nhận hoàn toàn có thể kiểm soát lạm phát, nhưng TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảnh báo, rủi ro lạm phát cao quay trở lại vẫn còn.
Ông Thành đưa ra dẫn chứng, rủi ro từ ngân sách đang rất lớn, khi thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt xấp xỉ 40% kế hoạch trong khi áp lực chi tăng (tiền lương, chi phục hồi kinh tế...). Kế tiếp là rủi ro từ hệ thống ngân hàng, gánh nặng nợ xấu – nhất là nhóm nợ nhóm 5 vẫn gia tăng. Trong khi đó, sản xuất kinh doanh trong nước vẫn vấp phải hai khó khăn, là cơ hội kinh doanh giảm do tổng cầu giảm mạnh, giá cả giảm khi tổng đầu tư giảm chỉ còn 30% so với mức 42% năm ngoái.
Mua bán lòng vòng qua nhiều trung gian nên khi tới tay người tiêu dùng sản phẩm nông sản đã đội giá lên nhiều lần. Ảnh minh họa: Internet |
Đặt vấn đề cụ thể hơn, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lưu ý về tình hình giá nông sản suy giảm những tháng cuối năm có thể dẫn tới hệ lụy cho ngành sản xuất nông nghiệp.
Trong khi giá nông sản của nông dân bán ra thì không tăng, thì những sản phẩm này đang bị mua bán lòng vòng qua nhiều trung gian nên khi tới tay người tiêu dùng, mức giá đã đội lên rất nhiều.
Người nông dân đang phải chịu cánh kéo kép, một là giá đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu...) cao nhưng giá đầu ra lại thấp, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống người dân.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa dẫn chứng, dưa hấu mua tại vườn giá chỉ 2000 đồng/kg nhưng ra tới chợ đã lên tới 13.000 -14.000 đồng/kg; hay như tại Bắc Giang, giá một 1kg bí đỏ là 1.000 đồng/kg tại vườn, thậm chí "cho không chẳng ai lấy", nhưng qua vài khâu trung gian giá bán lẻ trên thị trường là 6.000 -7.000 đồng/kg. "Thậm chí một kg ốc bươu vàng giá gần bằng 3 kg thóc của người nông dân. Nông nghiệp, người nông dân đang vất vưởng nhưng chính sách hỗ trợ giá lại không hướng tới họ mà hỗ trợ qua trung gian nên không có giá trị" – ông Phú nhìn nhận.
“Trong khi hệ thống phân phối trên thế giới là đi thẳng từ vườn tới người tiêu dùng, hệ số ma sát bằng 0 thì chúng ta phải qua 6-7 khâu phân phối hàng hóa mới tới được chợ. Khi cầu trên thị trường không tăng thì những yếu tố như trên lại làm thui chột ý chí sản xuất,” ông Vũ Vinh Phú bức xúc.
Những yếu tố này, theo đại diện Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sẽ khiến việc dự báo giá cả những tháng cuối năm sẽ khá khó lường.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng: "Trong 6 tháng cuối năm vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước. Do đó đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ các chính sách về giá cả các mặt hàng do Nhà nước định giá, các hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, các yếu tố đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón...", bà Ngọc nói và cho rằng, do còn nhiều rủi ro trong diễn biến giá cả những tháng cuối năm, nên việc kiềm chế lạm phát vẫn cần sự “cam kết” từ các cơ quan chức năng.
"Lạm phát rất nhạy cảm, thường không bền vững dễ bị phá vỡ và nếu bùng phát trở lại sẽ khó kiểm soát. Tốc độ tăng trưởng năm nay của Việt Nam chỉ khoảng 5,2 – 5,3%, còn muốn đạt được mức tăng 6% trong năm 2014 là cực kỳ khó khăn " – ông Thành dự báo.