Cần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về nghề CTXH
Trên thế giới, nghề công tác xã hội (CTXH) đã có từ lâu, được cộng đồng xã hội rất coi trọng. Còn ở Việt Nam thì đây là một lĩnh vực hoạt động mới xuất hiện. Bắt đầu từ năm 2010, sau khi Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 thì CTXH cũng mới chính thức được công nhận là một nghề cụ thể. Tuy vậy, hiểu biết và nhận thức của xã hội về nghề này vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao hiểu biết của cộng đồng xã hội về ngành nghề này.
Người khuyết tật được đào tạo nghề miễn phí |
Nghề CTXH là một nghề hướng đến việc trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng xã hội “ yếu thế” giúp họ phát triển khả năng của bản thân, gia đình cùng với cộng đồng và sự trợ giúp của nhà nước, để họ tự vươn lên hòa nhập đời sống cộng đồng. Thực tế hiện nay trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển họ công nhận CTXH là một nghề chuyên nghiệp. Mục tiêu chung của Đề án là “ Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.
Ngay sau khi Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 được ban hành, các Bộ, Ngành chức năng đã ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH, Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ – TTg ; Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH công lập…
Như vậy có thể khẳng định rằng Quyết định 32 đã tạo ra một hành lang pháp lý để từng bước phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp. Đồng thời cũng tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp bộ đảng, chính quyền và xã hội về nghề CTXH.
Trong 5 năm qua đã có hàng ngàn cán bộ, nhân viên, cộng tác viên, cán bộ đoàn thể đã được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo, thăm quan các mô hình về CTXH, nhiều trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội đã được thành lập mới, một số trung tâm bảo trợ xã hội được bổ sung thêm chức năng CTXH. Thông qua các hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH, các cấp bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội và các đối tượng xã hội đều đánh giá đây là mô hình hoạt động rất phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phát triển được nghề CTXH chuyên nghiệp đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì cũng cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH. Tuyệt đối tránh tư tưởng coi những người làm CTXH (nhất là những người tự nguyện) là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bởi lẽ dù là tự nguyện hay làm công ăn lương thì những người làm CTXH đều rất đáng được trân trọng.
Không nên phó thác hoàn toàn công tác trợ giúp xã hội cho những người làm nghề CTXH, mà đó là công việc của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị đều phải chung tay gánh vác. Cần phải coi kết quả CTXH như là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá kết quả công tác an sinh xã hội. Không chỉ các đối tượng yếu thế trong xã hội mới cần trợ giúp xã hội, mà chính những người làm nghề CTXH cũng đã cần được trợ giúp, đó chính là trợ giúp về khung pháp lý để nghề CTXH hoàn thiện và phát triển vững chắc; trợ giúp nâng cao mức thu nhập cho những người làm nghề CTXH để họ yên tâm làm việc, cống hiến; trợ giúp nâng cao điều kiện làm việc và cơ sở vật chất cho các cơ sở CTXH để hệ thống các cơ sở này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu… Làm được như vậy, chắc chắn nghề công CTXH ở nước ta sẽ phát triển, góp phần đắc lực vào công tác an sinh xã hội; bồi đắp thêm truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội - Đề án 32