Căn cứ Eielson, điểm tựa của Mỹ trong trò chơi chiến lược giữa các cường quốc
Căn cứ không quân Eielson ở Alaska được coi là điểm tựa chiến lược quan trọng của Mỹ để tăng cường hoạt động răn đe ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Mới đây, 3 máy bay ném bom chiến lược B-52H của Không quân Mỹ đã được điều động từ Căn cứ Không quân Barksdale ở Louisiana đến Căn cứ Không quân Eielson ở Alaska để thực hiện nhiệm vụ ném bom đặc biệt như một lực lượng biệt phái của Mỹ.
Căn cứ không quân Eielson của Mỹ ở Alaska. Nguồn: Chinanews. |
Căn cứ Không quân Eielson, nằm cách thành phố Fairbanks của bang Alaska khoảng 46 km về phía đông nam, được thiết lập từ năm 1943. Đường băng dài nhất của căn cứ này lên đến hơn 4.400 m, hiện đây là nơi đồn trú của Liên đội máy bay chiến đấu số 354 và liên đội tiếp dầu trên không số 168 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Alaska cùng các đơn vị khác, tổng quân số khoảng 2.700 quân.
Các máy bay chính được bố trí tại đây gồm máy bay chiến đấu F-35A, F-16C/D, máy bay cường kích A/OA-10, máy bay tiếp dầu trên không KC-135 và các máy bay khác, chịu trách nhiệm chi viện chiến lược và đánh chặn đường không.
Là một trong những căn cứ không quân quan trọng của Mỹ, căn cứ Eielson có vị trí địa lý thuận lợi, nhìn ra eo biển Bering (eo biển phân cách châu Á và Bắc Mỹ) cùng với Nga, đây là tiền đồn để Không quân Mỹ thực hiện nhiệm vụ trinh sát chiến lược, cảnh báo sớm và phòng không. Nó được coi là điểm tựa chiến lược của Washington ở khu vực Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và Chiến tranh Lạnh, căn cứ này là nơi hỗ trợ hoạt động trên không quan trọng cho lực lượng Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiệm vụ chính của nó được điều chỉnh từ đối đầu với Liên Xô sang ứng phó với các cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên và các cuộc xung đột khác trong khu vực. Căn cứ này từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc răn đe và diễn tập của các lực lượng chiến lược Mỹ.
Trong những năm gần đây, khi trọng tâm chiến lược của Mỹ thay đổi, căn cứ Không quân Eielson đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quan chức cấp cao Mỹ. Căn cứ này trở thành một trong những trung tâm quân sự của Washington ở Châu Á - Thái Bình Dương và là điểm tựa chiến lược quan trọng nhất.
Dựa trên mô hình tác chiến trong tương lai, kể từ năm 2006 Mỹ đã đẩy nhanh việc cải tiến Trung tâm huấn luyện tập trung Alaska (JPARC) rộng 100.000 km2 tại căn cứ này, Trung tâm được tích hợp nhiều tính năng để có thể tiến hành huấn luyện trên tất cả các lĩnh vực tác chiến, đây cũng là nơi được Mỹ tiến hành cuộc diễn tập không quân thường niên quy mô lớn Red Flag. Đặc biệt, Phi đội Máy bay Chiến đấu “kẻ xâm lược” số 18 “khét tiếng” của Không quân Mỹ cũng đóng tại đây.
Cùng với đó, Mỹ cũng tiếp tục nâng cấp trang thiết bị và cơ sở vật chất của căn cứ này. Tháng 4/2020, 2 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A đã lần đầu tiên được bố trí tại căn cứ này, khiến nó trở thành một trong số ít căn cứ không quân có máy bay thế hệ thứ năm của Mỹ. Theo kế hoạch, đến tháng 12/2021, Mỹ sẽ triển khai 54 chiếc F-35A đến đây.
Cùng với máy bay F-22 ở căn cứ không quân Elmendorf thuộc thành phố Anchorage, Alaska sẽ trở thành khu vực tập trung máy bay thế hệ thứ năm nhiều nhất của Mỹ. Quân đội Mỹ cũng có kế hoạch chi khoảng 500 triệu USD để nâng cấp phần cứng, mở rộng quy mô của căn cứ, tập trung vào việc xây dựng hàng chục nhà chứa máy bay có thể hoạt động trong mọi thời tiết và lắp đặt các thiết bị mô phỏng tên lửa đất đối không hiện đại. Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch bố trí thêm 2 phi đội máy bay chiến đấu và tăng gấp đôi số lượng phi công của căn cứ này.
Nhiều thông tin cho rằng, căn cứ Không quân Eielson còn là nơi để Không quân Mỹ tiến hành huấn luyện các chuyến bay ném bom nguyên tử tầm xa nhằm vào Nga. Năm 1950 Mỹ đã từng sử dụng căn cứ này để tiến hành một cuộc mô phỏng vụ đánh bom nguyên tử vào một thành phố lớn ở Liên Xô.
Theo chiến lược phòng thủ quốc gia mới, Mỹ có thể tăng cường hơn nữa các hoạt động không quân của mình ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Bắc Cực. Căn cứ Không quân Eielson cũng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong “bàn cờ” chiến lược tương lai và sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc.
Mỹ thừa nhận sự thật ‘cay đắng’ về tên lửa vượt siêu thanh
Mỹ chính thức tuyên bố tạm dừng chương trình phát triển tên lửa vượt siêu thanh, do chưa đủ trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực này.
Đức Trí (lược dịch)