Cận cảnh dãy nhà 4 mặt tiền trên 'đất kim cương' đắc địa bậc nhất ở Thủ đô bị tháo dỡ
Khu đất hơn 9.000m2 tại địa chỉ 61 Trần Phú (quận Ba Đình) có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, với 4 mặt tiền Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực được quy hoạch xây dựng dự án công trình đa chức năng thương mại.
Khu đất 61 Trần Phú nằm cách không xa Lăng Bác, trước đây được sử dụng làm trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef).
Mới đây, tại khu đất này, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án công trình đa chức năng thương mại, văn phòng, khách sạn cao 11 tầng nổi, 1 tầng tum (chiều cao tối đa 42,9m), 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn 75.329,5m2.
Dự án thuê đất trong 50 năm, kéo dài tới năm 2067, do Postef hợp tác với Công ty cổ phần Liên Việt Holdings (nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt) cùng đầu tư. Ngoài ra còn có sự tham gia của Tập đoàn Him Lam với vai trò "nhà tư vấn" cho Liên Việt.
Công trình kiến trúc kiểu Pháp của Nhà máy thiết bị bưu điện khi chưa bị phá dỡ. |
Trên bức tường của dãy nhà đoạn ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Trực có một bức phù điêu đắp nổi hình ảnh dân quân tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ là dấu ấn lịch sử cho bộ đội, dân quân tự vệ thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 19/5/1967.
Theo quan sát, bên ngoài bức phù điêu được bao bọc bằng những dụng cụ xây dựng, nhiều người dân ở đây tiếc nuối, nếu số phận của bức phù điêu này cũng bị đập bỏ cùng ngôi nhà.
Bức phù điêu được rào chắn bằng những dụng cụ xây dựng để chuẩn bị phá dỡ. |
Sinh ra và lớn lên trên đường Nguyễn Thái Học, nhiều năm ngắm nhìn diện mạo bức phù điêu này, ông Nguyễn Văn Dũng (64 tuổi) chia sẻ tiếc nuối: "Bức phù điêu ghi dấu ấn chiếc máy bay của Mỹ rơi ở đó, nếu bị đập đi tôi rất tiếc vì có nhiều kỷ niệm tuổi thơ gắn bó.
Nếu đập ngôi nhà đi để xây các công trình khác cũng được, nhưng theo tôi nên giữ lại bức phù điêu đó những thế hệ sau này vẫn biết được lịch sử hào hùng của dân tộc. Hơn nữa, tôi thấy rất nhiều khách du lịch cũng đến tìm hiểu, chụp ảnh ở bức phù điêu này".
Bức phù điêu trên tường dãy nhà kiểu Pháp ở 61 Trần Phú. |
Còn theo anh Nguyễn Văn Khoa, một người kinh doanh đồ thể thao trên phố Lê Trực, tòa nhà này bỏ không lâu rồi. "Bây giờ được đập đi xây lại tôi cũng thấy đỡ tiếc, vì vị trí khu đất quá đẹp mà bỏ không bao nhiêu năm nay, rất lãng phí”, anh Khoa nói.
Dãy nhà 4 mặt tiền Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực đang được tháo dỡ. |
Đây được coi là "mảnh đất kim cương" của Thủ đô. |
Trước đây là nhà máy thiết bị bưu điện. |
Phần mái của ngôi nhà đã được tháo gỡ. |
Ngôi nhà mang dấu ấn kiến trúc giai đoạn đầu thế kỷ 20, lối kiến trúc hiếm hoi còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội đến thời điểm bị phá dỡ. |
Xung quanh ngôi nhà được rào chắn bằng lưới chuyên dụng để ngăn bụi, tránh ảnh hưởng môi trường và người đi đường. |
Dãy nhà duy nhất chưa bị phá bỏ trên mặt phố Hùng Vương. |
Công trình đã rất thân thuộc với người dân Thủ đô nhiều thập kỷ qua với diện mạo kiến trúc kiểu Pháp thấp tầng thanh lịch bám theo mặt đường dưới những tán cổ thụ xanh mát. Xung quanh công trình này còn có nhiều biệt thự Pháp cổ khác. |
Tại dãy nhà mặt phố Hùng Vương vẫn còn hệ thống điều hòa bên ngoài. |
Ngày 4/4, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về phương án bảo vệ bức phù điêu.
Theo UBND quận Ba Đình, hiện nay bức phù điêu đang thuộc danh mục quản lý của UBND quận này.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến, UBND quận Ba Đình đề nghị Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện (chủ đầu tư) và các đơn vị liên quan bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu, báo cáo UBND TP Hà Nội, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội và UBND quận Ba Đình về phương án di chuyển, bảo vệ và khôi phục bức phù điêu tại vị trí ban đầu trước khi công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc báo cáo phải hoàn thành trước 17h ngày 7/4.
Bảo Khánh