Cận cảnh chiếc xe đạp công cộng sắp được cho thuê giá 5000 đồng/30 phút ở Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa nhất trí giao Sở Giao thông vận tải xây dựng dự án phát triển xe đạp công cộng để thực hiện tại 6 quận trung tâm (Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng), giá cho thuê chỉ 5.000 đồng/30 phút.
Sau gần nửa năm triển khai, loại hình cho thuê xe đạp công cộng tại TP.HCM đã phát huy hiệu quả và được người dân đón nhận. Hiện nay, Hà Nội cũng đã lên kế hoạch thí điểm mô hình tương tự với giá cho thuê chỉ 5.000 đồng/30 phút.
Hà Nội đã lên kế hoạch thí điểm mô hình tương tự TP.HCM với giá cho thuê chỉ 5.000 đồng/30 phút. |
Chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện đơn vị thực hiện dự án cho biết: “Chúng tôi xây dựng tuyến xe đạp công cộng để phụ trợ cho những người đi xe buýt, tàu điện, sinh viên… vì hiện nay ở Hà Nội mới có thêm tuyến tàu điện, nhiều người cần di chuyển quãng đường ngắn.
Khi sử dụng, người dân cần lập tài khoảng trên ứng dụng, khi mở tài khoản, mọi thông tin đều hiển thị rõ: “Hiện nay phương án chúng tôi cho thuê theo giờ, với giá 30 phút 1 lần sử dụng với giá 5.000 đồng, giá thuê cả ngày là 50.000 đồng, được thuee 15 lượt, đó là giá cho xe đạp cơ bình thường, người dân có thể trả ở tất cả các trạm của hệ thống”.
Người dân muốn thuê xe đạp chỉ cần tải ứng dụng quét mã QR Code trên điện thoại là có thể sử dụng dịch vụ. |
Việc xây dựng các hệ thống trạm để xe được xây dựng theo các điểm xe buýt, điểm lên xuống tàu điện, gần các trường học, các trung tâm thương mại, du lịch, các vườn hoa công cộng…
“Chúng tôi tiếp tục xây dựng phương án bán vé tháng cho người dân", ông Toàn cho hay.
Khi xe bị hỏng, khách hàng cũng có thể báo về hệ thống trên thiết bị điện thoại, ngay lập tức sẽ có người đến hỗ trợ, vì xe di chuyển trên đường đều có định vị.
Sau khi được đi thử xe, anh Nguyễn Anh Ngọc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khá hài lòng với chiếc xe và giá cho thuê. Anh Ngọc chia sẻ trải nghiệm, xe có hệ thống GPS, khung chống gỉ, phanh đĩa đảm bảo an toàn cho người sử dụng, bền bỉ theo thời gian; về hình thức, chiếc xe này khá bắt mắt, rất đẹp.
''Việc sử dụng công nghệ rất dễ dàng, sau khi được hướng dẫn cài phần mềm tôi có thể dùng được luôn. Bình thường tôi rất ít đi xe đạp, vì nếu mua một chiếc xe cũng khá đắt, về không đi nhiều cũng bị hỏng, nếu đưa vào cho thuê, cuối tuần tôi sẽ thường xuyên sử dụng để tập thể dục hoặc đi ngắm cảnh”, anh Ngọc cho biết thêm.
Giá cho thuê xe đạp công cộng dự kiến là 5.000 đồng cho 30 phút, 10.000 đồng/giờ xe đạp cơ, giá phí cho thuê cả ngày là 50.000 đồng. Còn đối với xe đạp điện, sau khi doanh nghiệp có cụ thể mức đầu tư cho một xe được nhập về sẽ tính toán để đưa ra mức phí. |
Điểm đặc biệt của chiếc xe đạp cơ này là có hệ thống GPS, khung chống gỉ, phanh đĩa đảm bảo an toàn cho người sử dụng. |
Trên giỏ xe có tấm năng lượng mặt trời để sạc pin cho hệ thống điện của xe. |
Xe được thiết kế chỗ để điện thoại. |
Hệ thống yên được nâng lên hạ xuống, phù hợp với chiều cao của từng người. |
Người dân có thể điều chỉnh theo chiều cao mà nhà cung cấp ghi trên xe. |
Xe được sử dụng lốp đặc. |
Xe đạp không phát khí thải, đảm bảo thân thiện với môi trường xanh, sạch. Hơn nữa, người dân đi xe đạp cũng giúp cải thiện đáng kể sức khỏe... |
Bên cạnh đó, ưu điểm của xe đạp là đi được vào các ngõ ngách nên rất thuận tiện với người dân sinh sống ở nội đô Hà Nội. |
Các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện vận tải khách công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… |
Theo dự thảo đề án “Xe đạp đô thị” vừa được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện, báo cáo UBND thành phố, đối tượng phục vụ được dự án đặt ra là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh - sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn; khách du lịch; xe đạp được sử dụng cho dự án này tại 6 quận trung tâm (Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) bao gồm xe đạp truyền thống, xe điện 2 bánh… Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án sẽ được triển khai theo hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (thực hiện trong 1 năm): Ở giai đoạn này sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Được bố trí (82 vị trí/ 6 quận) vị trí tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2023.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, dự án mở rộng vùng phục vụ: Tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát, lựa chọn cụ thể.
Theo tính toán của nhà đầu tư, tổng chi phí của dự án là khoảng 30 tỉ đồng (nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác). Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 12 tháng, mức phí được đưa ra để người dân có thể sử dụng xe đạp điện là khoảng 20.000 đồng/giờ hoặc 200.000 đồng/ngày. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND thành phố hỗ trợ miễn phí vỉa hè tại các điểm đặt trạm sạc tại các địa điểm đặt xe phục vụ người dân.
Bảo Khánh
Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông 30.000 đồng một ngày
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ cung cấp hạng vé 30.000 đồng/ngày, không giới hạn số lần di chuyển trong ngày. Giá vé tháng đối với khách phổ thông là 200.000 đồng. Học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp được giảm 50%...