Căn bệnh nghệ sĩ Cát Phượng mắc có nguy hiểm?
Rạng sáng 22/11, nghệ sĩ Cát Phượng được đưa thẳng vào cấp cứu, điều trị do triệu chứng nôn ói
Nữ diễn viên cho biết bản thân có nhiều biểu hiện không ổn. Cô từng nhiều lần phải nhập viện vì căn bệnh tiền đình nặng, thậm chí có 1 vị bác sĩ còn nói: "Sao còn sống đến giờ hay vậy?".
Trong suốt thời gian qua, Cát Phượng bị mất ngủ, ói đến đắng miệng, đôi khi còn không di chuyển được: "Cát Phượng bị rối loạn tiền đình cấp nặng chứ không nhẹ, đi đứng đều không được vì cảm giác cả thế giới như đè lên đầu mình và cứ thế quay cuồng 1 cách chậm rãi và nặng nề.
Mỗi lần quay là trong người có gì như muốn ói ra hết. Ăn gì cũng muốn nôn ra, không nuốt được. Tay chân rụng rời không cầm nắm gì được.
Não của Cát Phượng như đông cứng. Tuần hoàn máu ở não không thông. Khi máu không bơm được lên não dẫn đến các dây thần kinh của não bị căng, không ngủ được. Đầu quay cuồng đồng thời hạ canxi. Cho nên rất dễ đột quỵ" - Cát Phượng từng chia sẻ.
Bác sĩ CK1 Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết rối loạn tiền đình không những gây nên những nguy hiểm trực tiếp mà còn có thể tạo nên những hậu quả gián tiếp, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, sức khỏe; thậm chí tính mạng của người bệnh.
Hệ thống tiền đình nằm ở tai trong có chức năng cho cơ thể giữ thăng bằng trong không gian liên quan tới phản xạ và tư thế. Khi cơ thể di chuyển thì hệ thống tiền đình thông báo cho cơ thể đang di chuyển để giữ thăng bằng.
Khi có trục trặc ở hệ thống này thì cơ thể cảm nhận được sự thay đổi như nhà cửa đang lộn nhào.
Diễn viên Cát Phượng đang điều trị. |
Triệu chứng điển hình của tiền đình đó là chóng mặt, xung quanh cảm giác lộn nhào. Còn khi có cảm giác lâng lâng, choáng váng thì không phải rối loạn tiền đình. Nếu phân biệt không rõ mà uống thuốc tiền đình sẽ không có tác dụng.
Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ví dụ chấn thương đầu làm mất sỏi tai trong đầu gây chóng mặt, bệnh nhân sẽ chóng mặt khi xoay đầu, thay đổi tư thế. Bệnh nhân bị viêm nhiễm tai trong gây điếc tai và chóng mặt.
Ngoài ra, có các bệnh khác của hệ thống thần kinh như u não, đột quỵ. Vì vậy, bệnh nhân phải xác định đúng chóng mặt và bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân vì sao bệnh nhân chóng mặt.
Vì vậy, bệnh nhân phải kể rõ triệu chứng để bác sĩ đánh giá thực sự bệnh lý rối loạn tiền đình. Nhiều bệnh nhân tới khám bác sĩ yêu cầu họ mô tả đúng triệu chứng. Nếu chỉ chóng mặt thì việc đánh giá tiền đình rất khó. BS Khoa nhấn mạnh, phải tiếp cận đúng, đánh giá đúng mới điều trị đúng.
Theo BS Khoa tỷ lệ chóng mặt theo các nguyên nhân khác nhau. Bất cứ ai cũng có thể mắc rối loạn tiền đình và ở người trẻ và người già sẽ có nguyên nhân khác nhau. Khi điều trị rối loạn tiền đình thường điều trị thuốc cho bệnh nhân chóng mặt và điều trị bệnh lý nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
Một điều cần lưu ý, BS Khoa cho biết rối loạn chức năng tiền đình khiến thông tin liên lạc được truyền đạt tới bộ não bị chậm trễ hoặc sai sót, gây ảnh hưởng đến trí nhớ và dẫn đến một số căn bệnh như: Alzheimer, Parkinson, thiếu máu não…
Ngoài ra khi lượng oxy lên não không được cung cấp đầy đủ khiến cho não rơi vào tình trạng thiếu oxy sẽ khiến vùng não bộ ngừng hoạt động, từ đó dẫn đến bệnh thiếu máu lên não, tai biến mạch máu não và u não; nghiêm trọng nhất là đột quỵ khiến người bệnh phải nằm liệt giường và thậm chí là tử vong.
Do đó khi gặp phải các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Một nghiên cứu cho thấy có 80% người bệnh có tâm lý chủ quan, coi nhẹ bệnh khi thấy xuất hiện một số triệu chứng nghi ngờ bị tiền đình, không đi khám và điều trị ngay.
77% người được hỏi cho biết không hiểu rõ về bệnh, thường nhầm lẫn với chứng bệnh thiểu năng tuần hoàn não.
58% người bệnh tự chẩn đoán bệnh cho mình, hoặc nghe người khác chẩn đoán theo kinh nghiệm chứ không đến bệnh viện để được khám và kiểm tra cận lâm sàng.
Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng về việc hiểu và nắm rõ các dấu hiệu của bệnh để kịp thời thăm khám và điều trị.
K.Chi