Xót xa cảnh bé 8 tuổi người Dao có khối u khủng ở mắt, máu chảy xuống cả áo quần
Từ giữa tháng 10, u tăng nhanh choán toàn bộ vùng mắt trái bệnh nhi, khối u phù nề kèm chảy máu, nhiều khi máu chảy xuống cả quần áo…
Bệnh nhi Lò Mạnh Q. với khối u choán hết phần mắt trái, sưng nề, chảy máu rỉ rả nhiều khi ướt cả áo quần |
Bệnh nhi người dân tộc Dao Lò Mạnh Q., 8 tuổi (huyện Sốp Cộp, Sơn La) từ nhỏ đã có khối u máu bẩm sinh ở mắt trái kích thước khoảng 1cm.
Gia đình cũng cho đi khám nhưng nghĩ rằng sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng nên không điều trị triệt để. Năm 2017, cậu bé được phẫu thuật tại Bệnh viện tỉnh, tuy nhiên gần đây khối u tái phát, càng ngày càng phát triển, kích thước tăng dần lên. Gia đình đưa đi khám tại một số bệnh viện ở Hà Nội nhưng chưa có biện pháp can thiệp điều trị tiếp theo.
Từ giữa tháng 10, u tăng nhanh, phù nề kèm chảy máu rỉ rả, khối u to chiếm toàn bộ vùng mắt bên trái, khiến mắt trái mất hoàn toàn thị lực, nhiều khi máu chảy xuống cả quần áo, cậu bé lo sợ chỉ biết khóc, thét to và nôn. Nhưng càng như vậy thì áp lực dồn nén vào mắt trái của em càng lớn, càng nguy hiểm.
Nhập viện tại Bệnh viện K vào đầu tháng 11 nhưng trường hợp của bệnh nhi Lò Mạnh Q. đã được hội chẩn liên khoa và toàn bệnh viện để đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất.
Trước hết Q. được truyền máu, điều chỉnh các rối loạn trước khi tiến hành cuộc đại phẫu điều trị khối u. Kích thước u máu quanh mắt to khoảng 8x9cm làm che lấp và lồi nhãn cầu trái, đặc biệt sau khi chụp chiếu, bác sĩ còn phát hiện Q. có khối dị dạng ở động tĩnh mạch quanh ổ mắt.
Đây là ca bệnh rất khó can thiệp bởi nguồn cấp máu cả động mạch ở ngoài não và động mạch từ trong não đi ra cấp máu, với mạch máu giãn to và như mạng nhện quanh nhãn cầu.
Sau vài ngày can thiệp xử trí thì vị trí chảy máu ngoài da đã được kiểm soát, nhưng nguy cơ chảy máu tái phát và vỡ khối dị dạng mạch máu quanh ổ mắt rất cao, và nguy cơ tử vong cao nếu chảy máu ồ ạt, không kiểm soát được.
Dưới sự chỉ đạo của TS.BS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc bệnh viện K ca bệnh của Q.đã được tiến hành hội chẩn toàn viện với các chuyên gia đầu ngành: Chẩn đoán hình ảnh – nút mạch u; ekip Gây mê hồi sức; ekip Hồi sức cấp cứu, ekip Phẫu thuật thần kinh, ekip phẫu thuật tạo hình để lên rất nhiều phương án, kế hoạch cụ thể cho từng trường hợp, diễn biến có thể xảy ra trong khi điều trị cho bệnh nhi.
Khối u mỗi ngày một lớn giờ đã quá ngưỡng, phương án điều trị hiện tại sẽ là nút mạch can thiệp, sau đó phối hợp chuyên khoa phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật tạo hình để mổ u máu và tạo hình mắt cho bệnh nhi.
PGS.TS Bùi Văn Giang – Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, nhận định “Đây là ca bệnh khó, do khối dị dạng được cấp máu từ động mạch ở trong não và động mạch từ ngoài não, với búi dị dạng phức tạp quanh mắt, chỉ cần sai sót nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cháu bé. Kỹ thuật nút nhánh động mạch mắt là rất khó, yêu cầu bác sĩ nhiều kinh nghiệm và chuyên sâu thực hiện, cũng như phải có đủ các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ.
Ngày 8/11, sau khi tiến hành gây mê, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp nút mạch thành công nhánh mạch cấp máu từ trong não, và bơm chất làm tắc búi tĩnh mạch quanh ổ mắt. Sau đó kiểm tra lại búi dị dạng còn được cấp máu bởi các nguồn nuôi từ phía ngoài não, ca nút mạch được tiến hành lần thứ 2 để kiểm soát toàn bộ các nguồn nuôi của khối u cũng như khối dị dạng mạch”.
Ngày thứ 3 sau nút mạch, ekip phẫu thuật TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh bệnh viện K; TS.BS Dương Mạnh Chiến, Khoa điều trị yêu cầu Quán Sứ - bác sĩ phẫu thuật tạo hình; ekíp Gây mê hồi sức TS.BS. Trần Đức Thọ, Trưởng khoa đã tiến hành phối hợp nhịp nhàng, cẩn trọng phẫu thuật cắt bỏ khối u máu kèm theo khối dị dạng động tĩnh mạch quanh mắt, cố gắng tối đa để đạt được mục tiêu cắt bỏ toàn bộ các nhánh mạch cấp máu còn lại vào khối dị dạng, loại bỏ hoàn toàn khối dị dạng đảm bảo tránh tái phát, và tạo hình da khuyết hổng quanh ổ mắt, bảo vệ nhãn cầu đảm bảo sự phát triển cân đối của mặt sau này cho bệnh nhi Q.
TS.BS Nguyễn Đức Liên chia sẻ “Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các phương án phẫu thuật, tuy nhiên khó nhất là phần búi dị dạng trong ổ mắt, quanh nhãn cầu và có tĩnh mạch dẫn lưu vào trong xoang hang – não bộ, nguy cơ có thể chảy máu trong quá trình mổ và có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cháu bé.
Nếu cắt bỏ không hết thì bệnh sẽ tái diễn và chảy máu mắt trong tương lai. Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men tối đa, và sự phối hợp nhịp nhàng của toàn bộ ekip, sau thời gian 5 tiếng phẫu thuật, ca mổ diễn biến an toàn và thuận lợi”.
Sau mổ 12 tiếng, bé Q. đã tỉnh táo và được gặp mẹ, mẹ cháu đã khóc khi thấy con không còn bị chảy máu ở quanh mắt, và đặc biệt con vẫn còn nhìn thấy mẹ.
Trải qua 3 lần can thiệp và mổ liên tục, bé Q. đã thoát khỏi mặc cảm vì khối u vỡ chảy máu, bớt lo sợ khối u đe dọa gây nguy hiểm tính mạng. Hiện tại Q. được chăm sóc tại khoa Ngoại thần kinh, Q. đã ngồi dậy, tập đi lại, và được chăm sóc da quanh mắt cũng như mắt.
Sắp tới, Q. sẽ được đánh giá lại bởi chuyên gia mắt sau 3-6 tháng, sau khi bớt phù nề, và có thể được mổ chỉnh hình để chỉnh trục của mắt và tạo hình thẩm mỹ thì hai và sớm được đi học trở lại.
N. Huyền