Căn bệnh khiến 200.000 người tử vong mỗi năm bắt nguồn từ những món 'khoái khẩu' của giới trẻ
Gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, trà sữa, nước có gas… những món ăn 'khoái khẩu' của giới trẻ nhưng là nguyên nhân gây căn bệnh khiến 200.000 người tử vong mỗi năm.
Sử dụng đồ ăn nhanh, chế biến sẵn là xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Tuy rất tiện lợi nhưng các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo nếu ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bởi nó thường chứa nhiều calo, chất béo, đường, muối, carbohydrate tinh chế và cholesterol. Đó là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim mạch.
Tim mạch là bệnh lý nguy hiểm và chiếm tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt xu hướng mắc bệnh tim mạch hiện nay ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do những thói quen thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong.
Theo thống kê của Bệnh viện Tim mạch, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành trong độ tuổi 16-65 chiếm 25%, cứ 4 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp.
Căn bệnh khiến 200.000 người tử vong mỗi năm bắt nguồn từ những món ăn giới trẻ 'khoái khẩu' |
Theo BS Trần Hoán Toàn, Trưởng Khoa Nội - Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, bệnh lý tim mạnh thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Nhưng trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên chiếm tỷ lệ khá cao.
Nó có thể xảy ra với bất kỳ ai và bất kỳ lứa tuổi nào. Những người mắc mới căn bệnh này cũng ngày càng trẻ hóa. Những người trẻ tuổi thường nghỉ rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý.
Các bệnh lý về tim mạch đang là mối hiểm họa cho sức khỏe của cộng đồng. Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở người trưởng thành và trung niên: Hút thuốc, béo phì, ít vận động, thường xuyên căng thẳng, chế độ ăn nhiều muối, chất béo, rượu bia, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu,…
Trong đó, béo phì là nguyên dẫn đến nhưng yếu tố nguy cơ tim mạch khác như cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp và hội chứng chuyển hóa.
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhấn mạnh thức ăn nhanh thường chứa nhiều calo, nhiều chất béo, nhiều đạm, thiếu vitamin và khoáng chất nên khả năng gây béo phì cho những ai có xu hướng lạm dụng chúng là rất cao.
Theo đó, bữa ăn nhanh thường không đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng, không cân đối về khẩu phần. Thức ăn nhanh có thể có một số chất độc hại được sinh ra trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm.
Vì vậy, nếu sử dụng thức ăn nhanh kéo dài và thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, có thể dẫn tới các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng mỡ máu, tăng huyết áp...
“Hầu hết thức ăn nhanh, bao gồm cả đồ uống và đồ ăn vặt như: bánh mì kẹp thịt, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, trà sữa, nước có gas… đều chứa nhiều carbohydrate, rất ít hoặc không có chất xơ. Khi tiêu hóa những thực phẩm này, carbs được giải phóng dưới dạng glucose (đường) vào máu dẫn đến làm tăng lượng đường trong máu gây bệnh đái tháo đường...”, Ths. Nguyễn Văn Tiến nêu.
Thực tế nhiều nghiên cứu đã xác định mối liên hệ giữa tiêu thụ thức ăn nhanh và tăng nguy cơ phát triển hoặc tử vong do bệnh tim. Cụ thể nếu tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây béo phì. Nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên khi cân nặng và vòng eo của bạn tăng lên.
Ăn quá nhiều muối làm tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim. Thường xuyên tiêu thụ chất béo bão hòa dư thừa làm tăng mức cholesterol trong máu, một yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch và đột quỵ.
Số lượng các bữa ăn sử dụng thức ăn nhanh và cách lựa chọn món đóng vai trò chủ yếu tác động đến sức khỏe của bạn. Vì vậy, để hạn chế những tác động không có lợi, cách chuyên gia khuyến cáo trước tiên nên hạn chế sử dụng thức ăn nhanh.
Nếu sử dụng thức ăn nhanh, theo ThS. BS Nguyễn Văn Tiến, tùy theo chủng loại (thức ăn nhanh giàu đạm, giàu tinh bột, nhiều chất béo, nhiều muối) mà chúng ta lựa chọn các thực phẩm bổ sung thêm vào trong bữa ăn như: bổ sung thêm rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và chất xơ đồng thời nó giúp thải bỏ lượng mỡ dư thừa; bỏ bớt muối để món ăn nhạt hơn.
Ngoài ra, cần thường xuyên vận động thể lực đều đặn hàng ngày tùy thuộc điều kiện và tình trạng sức khỏe mỗi người như: đi bộ, chạy, nhảy dây, cầu lông, bóng chuyền…
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh, để duy trì sức khỏe tốt bạn cần có một chế độ ăn uống đủ chất, cân bằng. Mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng) và phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm khác nhau hàng ngày.
N. Huyền