Camera theo dõi không thể ngăn chặn triệt để nạn bạo hành trẻ mầm non
Nếu không kiềm chế được bản thân, các cô hoàn toàn có thể đưa con ra “góc khuất” của camera để dọa nạt, để dùng bạo lực nếu các con không nghe lời.
Vừa qua, clip được quay tại cơ sở số 7 trường mầm non Ánh Dương (Sunshine) số 17, BT8 Khu Đô Thị Xa La, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội ghi lại cảnh cô giáo bạo hành trẻ đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Cơ sở số 7 trường mầm non Ánh Dương (Sunshine) số 17, BT8 Khu Đô Thị Xa La, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội, nơi vừa diễn ra cảnh bạo lực học đường |
Theo nội dung clip, sau khi phát hiện bé 3 tuổi tè dầm ra quần, cô giáo dùng tay véo tai con, lột trần quần áo và kéo con ra một góc khác khiến cho nhiều bạn học cùng chạy tới cười chế nhạo con.
Chị Nguyễn Thu Hoài (Tây hồ, Hà Nội) phẫn nộ: “Con mới 3 tuổi, tè dầm ra quần là chuyện quá bình thường, sao cô lại nhẫn tâm véo tai, đánh rồi lột trần quần áo của con trước sự chứng kiến của nhiều bạn trong lớp? Cả ngày đi làm tin tưởng giao con cho cô và an tâm một phần vì lớp có camera, ai mà ngờ các cô lại “cao tay” đưa con ra góc khuất để dùng bạo lực”.
Liên quan đến sự việc trên, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tâm lý An Việt Sơn cho hay, bạo lực học đường, nhất là bạo lực với trẻ mầm non ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và sự phát triển trí tuệ của các con.
Bị cô giáo dùng bạo lực khiến các con trở nên tự ti, sợ hãi khi làm tất cả mọi việc khiến tài năng của các con bị thui chột. Nếu bạo lực kéo dài ảnh hưởng tới phát triển tính cách, khiến các con không dám làm chủ bản thân, có ý tưởng nhưng không dám thực hiện vì sợ bị phạt.
Hơn thế, khi các con chứng kiến cảnh cô giáo dùng bạo lực với bạn cùng lớp các con sẽ hình thành suy nghĩ “xử lý sự việc bằng bạo lực”. Điều này cực kì nguy hại với bản thân các con và ảnh hưởng lớn tới xã hội.
Hiện nay, tại các trường mầm non đã sử dụng hệ thống camera giám sát cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ của các cô giáo. Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, camera chỉ là phương tiện khiến các bậc phụ huynh tạm yên tâm khi nhìn thấy mọi hoạt động của con ở trường chứ không ngăn chặn triệt để nạn bạo lực với trẻ.
Bởi lẽ, các cô giáo là người có thể nắm rõ được vị trí và góc quay của camera tới chỗ nào là hết. Nếu không kiềm chế được bản thân, các cô hoàn toàn có thể đưa con ra “góc khuất” của camera để dọa nạt, để dùng bạo lực nếu các con không nghe lời.
Nguyên nhân sâu xa của những vụ bạo hành là do các cô chưa thực sự có tình thương yêu từ tận trái tim đối với trẻ. Tuổi mầm non là lứa tuổi khó làm chủ được hành vi của bản thân. Vì thế trẻ tè dầm, hay khóc hay lười ăn là chuyện quá bình thường. Một giáo viên mầm non thành công phải là người biết sử dụng những kĩ năng sư phạm để các con biết nghe lời chứ không phải dùng bạo lực.
TS. Phạm Thị Ly - chuyên gia quản lí giáo dục, giám đốc chương trình nghiên cứu – Viện đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM |
Trước vấn đề trên, TS. Phạm Thị Ly - chuyên gia quản lí giáo dục, giám đốc chương trình nghiên cứu – Viện đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM cho hay, lắp camera để theo dõi hay trừng phạt các cô giáo phạm lỗi, kể cả sa thải họ, đều chỉ là giải pháp tức thời, giống như dán băng cứu thương lên một vết thương nghiêm trọng, nó không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Chuyện bạo hành xảy ra trong các nhà trẻ thể hiện một cái gì đó sâu xa hơn, một sự vỡ vụn về giá trị sống và niềm tin vào những giá trị đó. Nó phản ánh những bức xúc không có chỗ trút xuống, và trẻ thơ không có khả năng tự vệ trở thành nơi “lãnh đủ”.
Vì vậy, kết án các cô hay kể cả kết án các nhà quản lý giáo dục rất dễ, nhưng để sửa chuyện đó tận gốc thì khó hơn. Bởi lẽ, môi trường xã hội có trong sạch hay không, mỗi chúng ta đều gánh một phần trách nhiệm.
Giải quyết bạo lực theo trường hợp một không phải là cách giải quyết lâu bền, nhất là những vấn đề có nguồn gốc từ giá trị đạo đức. Bạo lực học đường giữa học sinh với nhau, giữa cô giữ trẻ và trẻ mầm non, là những vấn đề mà chúng ta phải cùng nhau giải quyết thay vì nhằm vào xử lý hiện tượng.
Có lẽ thế, chừng nào xã hội thay đổi cách nghĩ, mỗi người đều bắt tay vào làm một cái gì đó thay cho kết án người khác, thì chúng ta mới có hy vọng thay đổi thực trạng này.