Cấm dạy thêm, học thêm: Rào cản đến từ lương giáo viên quá thấp
Bí thư Đinh La Thăng khẳng định: “Hội nhập thì sao phải còn chạy trường, chạy lớp. Hội nhập mà còn dạy, học thêm là không được. Thời gian qua cử tri phản ánh rất nhiều tình trạng học trái tuyến, cần chấm dứt ngay”.
Chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng đã gây ra không ít ý kiến trái chiều. Một giáo viên công tác tại trường Tiểu học Hồng Thái (Bắc Giang) cho hay: “Ở trường cả ngày, tối về còn giáo án, bài vở đến tận khuya. Trong khi, một ngày công của mình là 70.000 VNĐ, tính ra không bằng lương một phụ xây.
Thử hỏi, với mức lương như thế tiền mua sữa cho con cũng không đủ chứ nói gì tới việc duy trì sinh hoạt trong gia đình. Giáo viên không phải thánh, cũng cần phải lo cơm áo cho gia đình. Lương không đủ thì buộc phải kinh doanh chất xám thôi. Nếu mức lương của giáo viên đủ để trang trải cho cuộc sống thì cũng chẳng ai muốn đi dạy thêm cho vất vả.
Hơn nữa khi phụ huynh có nhu cầu học, giáo viên có nhu cầu dạy thì tại sao lại cấm? Đó là nhu cầu đến từ cả hai phía cơ mà. Đồng ý với việc sẽ quản lý để việc học thêm không biến tướng trở thành việc giáo viên bắt học sinh đi học nhưng dù sao việc cấm dạy thêm là không nên”.
Trong khi đó, một giáo viên tại Yên Bái chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc không dạy thêm. Song cần có nội dung chương trình học phù hợp với học sinh từng vùng miền. Nguyên nhân của việc học thêm xuất phát từ rất nhiều lí do: Phụ huynh cho con đi học thêm vì thấy giờ học chính khóa trên lớp chưa đủ, nhiều người cho con em mình đi học theo trào lưu.
Hơn nữa, nên cấm dạy thêm ở các thành phố lớn trước tiên. Bởi lẽ, những gia đình có điều kiện mới cho con đi học thêm nhiều chứ ở những vùng quê nghèo khó, cơm ăn còn phải lo thì lấy đâu ra tiền cho con học thêm. Ở trường miền núi như tôi vận động các cháu đi học chính khóa còn khó. Việc học thêm hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu của trẻ mà do bố mẹ bắt ép, do xã hội đưa đẩy vì không học thêm thì không biết, mà không biết sẽ bị thụt lùi so với các bạn khác”.
Liên quan đến vấn đề này, chị Nguyễn Ngọc Bích (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Bản thân mình vẫn muốn cho con đi học thêm. Kiến thức thì lắm như thế học trên lớp sao đủ. Chương trình của các con bây giờ khác nhiều với chương trình học của bố mẹ ngày xưa nên có nhiều bài con hỏi mà mình cũng không trả lời được.
Đó là chưa kể, con tan học lúc 16h30 trong khi 17h bố mẹ mới hết giờ làm. Còn di chuyển từ chỗ làm đến trường đón con nữa. Thử hỏi, không cho con đi học thêm thời gian ấy thì ai trông giữ con cho?”.
Một phụ huynh khác lại cho hay: “Vốn dĩ đi học thêm là trau dồi kiến thức cho học sinh nên giáo viên hoàn toàn xứng đáng được nhận tiền công để tăng thu nhập. Bây giờ, học sinh lớp 1 đã phải đi học thêm rồi, lớp có 38 học sinh thì 35 học sinh đi học thêm còn 3 bạn vì hoàn cảnh không cho phép nên không đi học thêm. Dù trên lớp con có nắm chắc bài nhưng vẫn bị cô giáo hắt hủi.
Mình biết vẫn còn những cô giáo có tâm nhưng số lượng rất hiếm. Mình thực sự mong muốn các cô hãy đối xử công bằng giữa các bạn đi học thêm và không học thêm. Còn giáo viên muốn dạy thêm ở đâu là quyền của giáo viên cũng không nên cấm”.