Cải thiện môi trường kinh doanh ở các lĩnh vực
Phát biểu tại hội thảo công bố báo cáo thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, liên tục trong 5 năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19 (từ năm 2014 đến năm 2018) và Nghị quyết 35 năm 2016 (cho cả nhiệm kỳ 2016 - 2020); trong đó giao nhiều nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp.
Vấn đề tiếp cận điện năng là một trong 2 lĩnh vực được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong Nghị quyết 19. |
Trong đó, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh hàng năm của Chính phủ đặt mục tiêu nhất quán là Việt Nam phải lọt vào nhóm 4 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất Đông Nam Á. Nghị quyết 35 đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, Việt Nam có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, khu vực tư nhân phải đóng góp được khoảng 48 – 49% GDP, khoảng 49% tổng đầu tư toàn xã hội…
Đánh giá kết quả thực hiện những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, nhìn chung 11 lĩnh vực trong Nghị quyết 19 (như thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, bảo hiểm xã hội, thủ tục hành chính thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, cấp phép xây dựng, phá sản doanh nghiệp …) đều ghi nhận có sự cải thiện đáng kể, qua đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương. Những lĩnh vực được đánh giá có mức độ chuyển biến tốt như thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, thủ tục hành chính thuế… Trong khi đó, các lĩnh vực về bảo vệ nhà đầu tư, phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể.
Đối với lĩnh vực nộp thuế, khi đánh giá về sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực thủ tục hành chính thuế, trong cuộc khảo sát 10.000 doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp đã cho biết thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước năm 2014, đặc biệt tập trung ở việc đơn giản hóa thủ tục và ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai và nộp thuế.
Thậm chí, theo đánh giá của VCCI, trên thực tế, Tổng cục Thuế đã chủ động tìm hiểu chỉ số Doing Business trước cả Nghị quyết 19 năm 2014 được ban hành. Ngành Thuế đã đặt mục tiêu vào nhóm ASEAN 4 từ năm 2011. Vai trò của Nghị quyết 19 là tạo động lực, giúp vượt qua lực cản cải cách nhanh hơn. Ví dụ, trước khi có Nghị quyết 19, Tổng cục Thuế đã có kế hoạch tập hợp cơ sở dữ liệu người nộp thuế tại tất cả các cục, chi cục về thành lập cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc…
“Việc điện tử hóa các thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội trong những năm gần đây được các doanh nghiệp đánh giá cao. Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng khó khăn khi làm thủ tục thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội trong giai đoạn trước, nhưng trong khoảng 4 – 5 năm trở lại đây thì không còn tình trạng này” – báo cáo của VCCI nêu rõ.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, vấn đề tiếp cận điện năng là một trong 2 lĩnh vực được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong Nghị quyết 19. Theo đó, thủ tục và thời gian đấu nối điện có cải thiện đáng kể, từ 6 bước, 115 ngày xuống 4 bước, 31 ngày. Hạ tầng ngành điện được đánh giá là tốt thứ 2 của Việt Nam chỉ sau hạ tầng mạng điện thoại. Nhờ đó độ ổn định điện năng tăng đáng kể, mất điện giảm cả số lần và thời gian. Năm 2012 mất điện trung bình 8.000 phút/khách hàng thì nay chỉ còn 235 phút/ khách hàng.
Việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ giao cho các Bộ trong Nghị quyết 19. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, bài học thành công của EVN là trong vòng 5 năm qua, EVN đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ công nhân viên ngành điện và sự phối hợp rất tích cực của các tỉnh, thành phố trong công tác triển khai tiếp cận điện năng.
Chỉ số tiếp cận điện năng năm 2018 xếp thứ hạng 27/189 quốc gia, nền kinh tế; tăng 129 bậc so với năm 2013. Với chỉ tiêu này, Việt Nam đã chính thức lọt Top 4 ASEAN trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 19. Qua phân tích phương pháp của Doing Business, EVN đã học hỏi cách làm của thế giới, nghiên cứu thay đổi quy trình kinh doanh điện. Đồng thời, EVN đã đẩy mạnh thực hiện 1 cửa liên thông, nhằm đem đến sự thuận lợi, dễ dàng cho khách hàng trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ điện. Hiện nay, Tập đoàn đã cung ứng 100% dịch vụ điện trực tuyến tương đương cấp độ 3. Tập đoàn sẽ chính thức cung ứng tiện ích thanh toán tiền điện mọi lúc mọi nơi, tương đương dịch vụ công cấp độ 4 từ tháng 12 năm nay.