Cách viết thư UPU 48: Hãy viết về người anh hùng trong em
Người anh hùng trong em chính là ông nội |
Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 (năm 2019) có chủ đề: “Hãy viết một bức thư về người hùng của em” (Tiếng Anh: Write a letter about your hero) bắt đầu từ tháng 10/2018 đến 2/2019 dành cho các em học sinh tuổi dưới 15.
Trong thông báo của mình gửi tới các quốc gia thành viên, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 (năm 2019) là một “chủ đề truyền cảm hứng” (the inspirational theme).
Chủ đề Cuộc thi lần thứ 48 là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình.
Chúng tôi xin giới thiệu bài văn mẫu Hãy viết một bức thư về người hùng của em:
Việt Nam ngày 13/12/2018
Chào người bạn xa nhớ!
Vậy là chúng mình xa nhau đã được 2 năm. Bạn và gia đình đã chuyển sang Canada định cư. Lá thư hôm nay mình gửi bạn là lá thư đặc biệt. Mình sẽ viết về người anh hùng trong lòng của mình. Người đó chính là ông nội mình.
"Chúng mày chỉ là con nhà lão dọn phân trâu, phân bò" đó là những câu mà bố mình và anh em của ông thường xuyên phải nghe khi bị nhiều người dè bỉu về ông nội. Nhưng với bố và các anh em của mình bây giờ, ông nội là người anh hùng.
Bố kể gia đình của ông từng là bộ đội giải ngũ. Khi ấy gia đình ông rất nghèo, đông con. Bà mình bị tai nạn ngã từ năm 35 tuổi khiến gãy xương không được điều trị trở thành cố tật bà gù.
Nhà bố có 5 anh em, bố là con áp út, các anh em của bố đều học rất giỏi nên ai cũng được ông cho đi học. Hồi đó ông vừa đảm nhiệm trụ cột gia đình vừa gánh thêm công việc của người phụ nữ như giặt đồ, nấu nướng.
Nhà nghèo nên chỉ có cơm độn khoai ăn. Bố kể rằng lúc ấy các bác, cô và bố chỉ ăn cơm độn khoai và rắc mấy hạt muối trắng nhưng ai cũng ăn ngon lành. Về tháng giêng, nhà không có gạo ăn chỉ còn khoai lang phơi khô nấu với lá khúc để ăn trừ bữa. Dù nghèo đói nhưng ông luôn động viên các con phải chăm học, phải đi học thật tốt để không còn khổ. Lúc nào ông cũng mong các con trở thành cô giáo hay bác sĩ để ông có thể vẻ vang với mọi người.
Quanh năm, ông chỉ còn biết đi mò cua, bắt ốc bán lấy tiền cho con đi học. Bố kể khi mùa đông lạnh thấu xương ông đi cày thuê cho người ta, hôm nào không có ai thuê ông lội xuống ao đánh giậm, úp nơm kiếm tý cá về bán lấy tiền đong gạo. Cả nhà 7 miệng ăn đều do ông lo hết.
Rét quá, ông luôn thủ sẵn bên cạnh mình bi- đông rượu. Bố kể chúng mình nghe có lúc đi học về, nhìn thấy ông đang bì bõm dưới đầm đánh tôm, cá. Thấy ông cứ tu rượu ừng ực con cái hỏi ông bảo uống rượu cho ấm. Có lẽ do thói quen đó, đến khi con cái trưởng thành thì ông mắc bệnh xơ gan cổ trướng.
Ông nội làm đủ các nghề cày thuê, cuốc mướn, ruộng nương của nhà ông làm hết. Bố kể thời nông nhàn không ai thuê làm, ông mình đi lấy phân trâu, phân bò thải ra đường mang đi bán cho người ta bón lúa, trồng cây. Mỗi gánh phân trâu chỉ được 200 đồng nhưng để có nó ông mình đã mất cả ngày đi khắp các ngả đường để thu lại và mang bán.
Dù làm vất vả, ông chưa bao giờ than thở với con cái. Đặc biệt với bà, ông thương bà vô bờ bến. Ông luôn nói với các con về tình nghĩa vợ chồng. Nhờ thế mà đến nay, các bác nhà mình ai cũng trân trọng gia đình của mình. Đặc biệt, công việc vất vả đôi khi bị coi thường nhưng ông luôn kiên cường vượt qua. Lúc nào gặp các con ông cũng cười nói vui vẻ để mọi vất vả ở xa ngoài cổng nhà.
Bác Hải là bác lớn trong nhà học xong cấp 3 bác đi bộ đội và bác sống xa nhà từ đó, bác thứ hai học xong cao đẳng sư phạm cũng phải vào tận Tây Nguyên mới xin được làm giáo viên. Bác thứ ba chỉ học hết cấp 2 do bác thương ông quá nên tình nguyện ở nhà giúp ông làm ruộng và phụ ông nuôi em. Nhờ thế mà bố mình và cô Hà mới có cơi hội học đại học. Cô Hà học bác sĩ và giờ theo chồng sang định cư ở nước ngoài còn bố làm kinh doanh.
Mỗi lần về quê, bố đều kể cho chúng mình nghe về ông nội. Ông đã đi theo các cụ về thế giới bên kia hơn chục năm nhưng mỗi lần nhắc về ông, mọi người đều kính nể và coi ông như một người anh hùng.
Bố kể cả đời ông vất vả, khi con cái làm được tiền muốn báo hiếu thì ông bị xơ gan, dù các con cố gắng nhưng chỉ được 4 năm là ông qua đời vì ung thư gan. Mỗi khi nhắc đến ông, đại gia đình nhà mình đều cảm kích tình thường và nghị lực vượt qua khó khăn ông dành cho cả gia đình nhỏ.
Bà nội mình cũng qua đời năm ngoái, khi bà mất bà chỉ mong các con hãy giữ tinh thần nhiệt huyết như lúc ông còn sống. Bố luôn mong chị em chúng mình sống là người tốt và biết vượt qua khó khăn như ông mình đã trải qua nó.
Đó chính là người anh hùng trong mình, còn bạn, người anh hùng trong lòng bạn là ai bạn hãy gửi lại thư cho mình nhé!
Xin chào Hạ Vy!
Hẹn gặp lại bạn vào mùa hè
Ký tên: Nguyễn Gia Hân