Cách tự day huyệt trị cảm cúm, cảm lạnh bạn không nên bỏ qua
Thay đổi thời tiết khiến nhiều người trong tình trạng khó chịu, mệt mỏi, không muốn làm việc. Chị Lê Thuỳ Dương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chị bị cảm lạnh người mệt mỏi, khó chịu, nước mũi chảy ròng ròng, không muốn làm việc.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết cảm lạnh và cảm cúm đều có những triệu chứng tương tự nhau như ho, sốt, nghẹt mũi, nhưng nguyên nhân của bệnh là khác nhau, mức độ nguy hiểm và cách chữa trị cũng không thể giống nhau, mọi người có thể căn cứ vào một vài biểu hiện bên ngoài cơ bản nhất để có thể nhận định đó là bệnh nào.
Cảm lạnh: Đối với bệnh cảm lạnh, bệnh xuất phát từ họng, họng sẽ được tác động đầu tiên, đau hoặc viêm họng. Sau 1-2 ngày, chúng có thể biến mất, sau đó là triệu chứng khác như: sổ mũi, nghẹt mũi, nước mũi trong chảy nhiều.
Nếu cảm lạnh ở mức độ nặng, nước mũi có thể chuyển thành màu vàng hoặc xanh, dịch mũi đặc nếu bị nhiễm trùng. Ngoài ra, đối với trẻ em còn có thể thấy sốt nhẹ.
Biến chứng khi mắc cảm lạnh có thể là nghẹt mũi và viêm tai giữa. Cảm lạnh thường chỉ kéo dài trong khoảng một tuần, bệnh cũng có thể lây lan cho người khác.
Cảm cúm: Người bị cảm cúm thường sốt cao từ 38-39 độ C kèm theo mệt mỏi toàn thân và đau nhức cơ thể, sổ mũi. Triệu chứng bệnh thường dồn dập và đột ngột, tăng nhanh chóng trong khi cảm lạnh thường tiến triển chậm và dễ chữa khỏi bằng các chế độ chăm sóc đúng cách.
TS Vinh cho biết, chuyển mùa, nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi để virus phát triển, ở mùa lạnh không có tia cực tím tiêu diệt virus nên cũng dễ nhiễm bệnh hơn.
Những người ít tập thể dục, lười vận động, sức đề kháng càng kém. Ở các thành phố, người dân làm việc ở các toà nhà, không khí bí bách càng khiến các bệnh liên quan tới cảm nhiều hơn do không khí không được thoáng.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn – BV Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 khi bị cảm lạnh bạn điều trị tại nhà có thể áp dụng một số biện pháp day ấn huyệt.
Trên cơ thể mỗi người có một số huyệt giúp hỗ trợ chữa cảm lạnh, cảm cúm khi được tác động đúng lúc và đúng kỹ thuật.
Các huyệt cụ thể như:
Thứ nhất, huyệt hợp cốc, bạn thực hiện khép ngón tay trỏ và ngón cái vào nhau, vị trí của huyệt nằm ở điểm cao nhất của phần cơ nối giữa ngón trỏ và ngón cái.
Thứ hai, huyệt khúc trì nằm ở phần cuối của nếp gấp khuỷu tay. Bạn day ấn huyệt này để giảm cảm giác khó chịu của cảm cúm, cảm lạnh.
Thứ ba, huyệt đại chùy, định vị vị trí huyệt đại chùy bằng cách ngồi hơi cúi đầu, quay cổ qua lại phải trái, u xương nào cao nhất động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt cổ số 7, huyệt này nằm ngay chỗ lõm phía dưới đốt sống cổ số 7.
Khi cảm sốt, có thể day bấm vào lần lượt ba huyệt trên. Khi day bấm phải nhanh và mạnh, có thể kết hợp véo da cùng với tinh dầu để các huyệt này đỏ hồng lên.
Thứ tư, huyệt thiên đột, huyệt này nằm ngay tại phần lõm trên của xương ngực, sát với xương ức và ngang với phần xương đòn ở cả 2 bên, có thể dùng tay gõ.
Thứ năm, huyệt liệt khuyết, bạn đưa hai bàn tay lên để khe của ngón trỏ và khe ngón cái đan xen vào nhau. Trong đó, đầu ngón trỏ bạn đặt lên đầu xương cạnh của cổ tay kia, vị trí đầu ngón trỏ được xác định là vị trí của huyệt vị.
Để phòng bệnh, bạn cần bổ sung đủ dưỡng chất, vitamin cho cơ thể. Về dinh dưỡng, theo TS Vinh, chưa có món ăn, thức uống ngăn ngừa cúm nhưng bạn nên ăn nhiều rau, đặc biệt rau họ cải, ăn nhiều trái cây, uống đủ nước mỗi ngày.
Ngủ đủ giấc cũng là cách tái tạo năng lượng làm việc và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. TS Vinh cho rằng nếu bạn thiếu ngủ thì cơ thể không có thời gian phục hồi, sức đề kháng sẽ giảm đi và bạn có thể mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh, bệnh do vi trùng.
Bạn cần tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, có thể chọn tập thể dục ngay tại nhà như tập yoga, tập võ, tập các bài tập cardio.
Khánh Chi