Cách định hướng cho con cái tìm được nghề hot trong tương lai
Đã có thời, tất cả chúng ta đều muốn trở thành phi hành gia, giáo viên, lính cứu hỏa, kỹ sư - tức là chúng ta đã đưa ra những câu trả lời rất đơn giản và dễ hiểu cho câu hỏi “bạn sẽ làm nghề gì khi lớn lên?”. Nhưng với sự phát triển của công nghệ, các chuyên ngành được yêu cầu cũng thay đổi theo.
Theo các chuyên gia, đến năm 2030 sẽ có khoảng 200 ngành nghề mới. Người sáng lập và là Giám đốc điều hành của trường dạy nghề công nghệ thông tin trực tuyến Rebotica (Nga) đưa ra một số lời khuyên cho cha mẹ trong định hướng nghề nghiệp tương lai cho trẻ như sau:
Tương lai những ngành nghề nào hot?
Tương lai của thị trường lao động không nằm ở việc đạt được một chuyên môn cụ thể, mà nằm ở khả năng cải thiện kỹ năng tư duy của bạn và thích ứng với việc giải quyết các công việc không theo tiêu chuẩn. Xu hướng tương lai, con người sẽ được thay thế bằng công nghệ, robot…
Điều này có nghĩa là, tương lai đòi hỏi phải có những nhà quản lý, lập trình viên, nhà khoa học… Ngày nay, tất cả các chuyên ngành máy tính liên quan đến trí tuệ nhân tạo và học máy đều có nhu cầu sử dụng cao. Và xu hướng này sẽ tiếp tục trong vài thập kỷ nữa, mặc dù các ngành nghề bổ sung chắc chắn sẽ được hình thành.
Một ngày nào đó, ngoài những cảnh sát bình thường, sẽ có những điều tra viên công nghệ thông tin và những bác sĩ sẽ cần những người có khả năng điều khiển một con robot phức tạp để tiến hành các hoạt động khám và chữa bệnh.
Một đứa trẻ sẽ cần những gì để chọn nghề theo nhu cầu?
Tất cả những xu hướng này có nghĩa là ngay cả khi con bạn muốn trở thành lính cứu hỏa hay bác sĩ thú y… thì cũng sẽ cần các kỹ năng công nghệ thông tin. Vì vậy, chắc chắn từ bây giờ trẻ cần được trang bị các kiến thức về công nghệ thông tin và về tư duy sáng tạo.
Làm thế nào để tạo cho trẻ những kỹ năng của nghề đang được săn đón?
Trong khi chúng ta đang cân nhắc và tưởng tượng về những chuyên ngành mới nào sẽ xuất hiện trong tương lai, một câu hỏi hợp lý được đặt ra: Làm thế nào ngay từ bây giờ có thể tạo nền tảng cho một đứa trẻ về những nghệ nghiệp tương lai, ngay cả khi hiện tại nghề đó chưa có?
Lúc này, điều cần làm là xây dựng khả năng sáng tạo và tư duy cho trẻ, cũng như kiến thức về mọi mặt để trẻ có thể mở rộng tầm nhìn, nâng cao khả năng phán đoán.
Ví dụ, con trai của bạn rất hào hứng giúp đỡ bạn nấu ăn, cho thấy con có tiềm năng với nghề đầu bếp. Nhưng ngay cả để trở thành đầu bếp thì tại sao con bạn cần tiếp cận với công nghệ thông tin.
Đơn giản là vì một công thức nấu ăn rất giống một chương trình máy tính, và các nguyên tắc phát minh ra một món ăn mới không khác nhiều so với việc phát minh ra một công nghệ mới.
Trong thế kỷ trước, nhà khoa học Liên Xô Heinrich Altshuller đã đưa ra các nguyên lý của TRIZ – “lý thuyết giải quyết vấn đề bằng sáng chế” – những phương pháp làm nền tảng cho bất kỳ phát minh nào. NASA, IBM, Boeing, Intel, General Electric, Toyota và nhiều công ty khác vẫn đang phát minh ra những đổi mới bằng cách sử dụng những phương pháp này.
Các nguyên tắc của TRIZ truyền cho đứa trẻ khả năng thích ứng với thực tế hiện đại, thể hiện một cách tiếp cận sáng tạo, giải quyết các nhiệm vụ không theo tiêu chuẩn. Ngay cả khi đứa trẻ không trở thành một chuyên gia công nghệ thông tin trong tương lai, thì cũng sẽ có được những kỹ năng và sự tư duy tốt. Đây là nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp trong tương lai.
Hạ Thảo (theo Gazeta)