Các trường Y, Dược tăng học phí 2022: 'Đừng bắt người học chịu gánh nặng lớn'
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến thì người dân đóng thuế, do đó con em họ phải được thụ hưởng những quyền lợi giáo dục tại hệ thống trường công lập, không thể bắt người học phải chịu một gánh nặng lớn về học phí.
Học phí các trường Y, Dược đều tăng
Năm học tới, Đại học Y Dược TP.HCM tăng 10% học phí so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, ngành Răng - Hàm - Mặt có mức học phí cao nhất lên tới 77 triệu đồng/năm học. Còn lại các ngành thuộc khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học giảm còn 37 triệu đồng/năm học (năm ngoái 40 triệu đồng), ngành Phục hình răng 37 triệu đồng/năm học (năm ngoái 55 triệu đồng)…
Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM công bố mức thu học phí giai đoạn 1 (2021-2023) được triển khai tăng theo lộ trình. Cụ thể, học phí ngành Y khoa năm 2022 là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm. Ngành Dược học có mức học phí năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,55 triệu đồng/năm. Cao nhất là ngành Răng - Hàm - Mặt với mức học phí 96,8 triệu đồng năm 2022 và 106,48 triệu đồng năm 2023.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có mức học phí cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm học. Đây là năm thứ hai liên tiếp học phí trường này tăng mạnh. Năm trước, sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM đóng 14,3 triệu đồng; hộ khẩu ngoài TP.HCM đóng 28,6 triệu đồng.
Đại học Y Hà Nội cũng tăng học phí so với năm học 2021-2022, mức tăng cao nhất tăng hơn 1,7 lần. Bậc đại học, mức thu cao nhất là ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến với 37 triệu đồng/năm.
Ở hệ đại trà, các ngành Răng - Hàm - Mặt, Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng mức thu 24,5 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại là Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng có mức học phí 18,5 triệu đồng/năm.
Đại học Y Dược Hải Phòng cũng chính thức ban hành khung học phí mới áp dụng cho năm học 2022-2023. Mức học phí mới tăng cao so với mức thu năm học trước (14,3 triệu đồng/năm).
Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội có mức học phí các ngành hệ chuẩn là 24,5 đồng/năm. Học phí ngành Răng - Hàm - Mặt hệ chất lượng cao là 60 triệu đồng/năm.
Đại học Dược Hà Nội sẽ có mức học phí mới áp dụng năm học mới. Với hệ đại trà các ngành Dược học 24,5 triệu đồng/năm học; ngành Hóa dược 18,5 triệu đồng; ngành Công nghệ sinh học 13,5 triệu đồng. Hệ chất lượng cao học phí 45 triệu đồng/năm học.
Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên cũng áp dụng từ năm học 2022-2023 với mức từ 1.850.000 đến 2.450.000 đồng/tháng.
Đại học Y Dược Cần Thơ có học phí là 24,6 triệu đồng/năm.
Đại học Y khoa Vinh (Nghệ An), các ngành Y khoa và Dược học 23 triệu đồng/năm, ngành Y học dự phòng 20 triệu đồng/năm, thấp nhất là ngành Y tế công cộng 14,3 triệu đồng/năm.
Ảnh minh họa |
Không thể bắt người học chịu gánh nặng lớn về học phí
Nói về việc các trường đào tạo y, dược đồng loạt tăng học phí, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay: “Một nền giáo dục tốt phải thỏa mãn một số yếu tố bao gồm tính công bằng về cơ hội học tập, tiêu chí chất lượng, hiệu quả (cùng một khoản tiền phải sử dụng sao cho có hiệu quả nhất), tính thống nhất (tức cần chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống giáo dục). Nếu thỏa mãn được cả 4 tiêu chí trên mới có thể coi là một nền giáo dục tốt.
Ở nước ta hiện nay đang nói nhiều đến chuyện phải nâng cao chất lượng nhưng chất lượng đó có thực hay không lại là chuyện khác. Khi nâng cao chất lượng bằng cách nâng chi phí cho đào tạo lên mà không có các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ dựa vào học phí thì không ổn.
Học phí tăng nhưng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục, để mọi người đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học”.
Cũng theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến thì tự chủ đại học là làm sao cho nhà trường được quyền quyết định đường hướng phát triển của mình trong hoàn cảnh cụ thể, không phải theo cơ chế chủ quản cầm tay chỉ việc.
Còn khi nguồn lực từ Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì cần huy động nguồn lực từ xã hội, nhưng xã hội hóa giáo dục phải nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, không thể bắt người dân bỏ ra số tiền lớn, như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc hàng đầu của giáo dục là tính công bằng.
“Khi nói đến tăng học phí thì bất kể quốc gia nào cũng đều có nguyên tắc với các trường công lập là học phí phải đảm bảo tính công bằng, tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Do đó, mức học phí thường có quy định giới hạn, không phải tăng vô hạn mà cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân.
Người dân đóng thuế, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, do đó con em họ phải được thụ hưởng những quyền lợi giáo dục tại hệ thống trường công lập, không thể bắt người học phải chịu một gánh nặng lớn về học phí”, tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.
Tự chủ đại học: 'Tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội'
Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học đã công bố mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí trong những năm tới.
Hoàng Thanh