Các trường "né" đề nghị của Bộ trưởng, giữ nguyên mức điểm xét tuyển
Đến thời điểm hiện tại, các trường đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, một số trường top cao lại lấy ngưỡng điểm đầu vào khá thấp. Điều này đã gây không ít khó khăn cho việc tuyển sinh của những trường top dưới.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã lưu ý các thí sinh, hiện nay một số trường top cao nhưng vẫn thông báo nhận ĐKXT bằng với điểm sàn của Bộ nên thí sinh cần lưu ý tham khảo điểm chuẩn ở các trường đó để quyết định nộp hồ sơ xét tuyển phù hợp với kết quả thi của mình, tránh việc đánh mất cơ hội.
Bên cạnh đó, theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị tổng kết năm học 2015 -2016: “Trường ĐH top trên phải công bố mức điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT, trường công bố rồi thì rút lại, đưa ra thông báo mới để các trường phía dưới có cơ hội”.
Chỉ đạo này của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đang khiến dư luận xôn xao. Bởi lẽ, tới thời điểm hiện tại, các thí sinh đã tiến hành nộp hồ sơ xét tuyển tại các trường được 10 ngày rồi. Nếu các trường nâng mức điểm xét tuyển thì những thí sinh dưới mức điểm xét tuyển phải làm sao?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội. PGS.TS Trần Văn Tớp cho hay: “Ngay sau khi công bố ngưỡng điểm xét tuyển vào trường là 18, nhận thấy nguy cơ như Bộ trưởng nói trong Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 trường ĐH Bách khoa đã đi một bước nữa là phân tầng một số ngành hot của trường lên 22 điểm. Nên trước đề nghị của Bộ trưởng, ĐH Bách khoa không có điều chỉnh gì thêm nữa, bởi đã điều chỉnh trước đó rồi.
Đối với một số trường lấy ngưỡng điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ thì trước yêu cầu của Bộ trưởng, các trường rất khó điều chỉnh. Bởi lẽ, tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, Nhà trường đã công bố và thí sinh cũng đã nộp hồ sơ, giờ điều chỉnh sẽ rất khó cho cả thí sinh và cả Nhà trường.
Theo quan điểm của tôi, điểm xét tuyển là quyền tự chủ của các trường, các trường được đưa ra ngưỡng xét tuyển phù hợp để tuyển đúng chỉ tiêu. Hơn thế, nếu điều chỉnh thì phải yêu cầu trước khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký chứ không nên để thí sinh nộp hồ sơ gần 10 ngày rồi mới điều chỉnh”.
Cùng quan điểm, TS. Trần Duy Kiều – Phó hiệu trưởng ĐH Tài nguyên Môi trường cho biết: “Ngay từ đầu, ngoài ngưỡng điểm đầu vào chung, chúng tôi cũng đã phận hạng điểm nhận hồ sơ với từng ngành.
Một số ngành không hot lắm của trường thì điểm đầu vào cũng “khá thấp”, nhưng Nhà trường đang nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh rồi. Vì thế, trước yêu cầu của Bộ trưởng là nâng điểm xét tuyển thì việc cân nhắc lại điểm xét tuyển và công bố lại hiện nay Nhà trường chưa làm được. Chúng tôi vẫn giữ nguyên điểm ban đầu và chưa điều chỉnh gì vì trước đó đã phân tầng rõ rồi.
Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng 1, nên với những trường lấy điểm chuẩn cao nhưng ngưỡng điểm xét tuyển thấp phải công bố lại điểm để tránh khoảng lệch lớn là điều khó thực hiện. Nếu công bố lại điểm thì phải có phương án cho những thí sinh nộp hồ sơ rồi mà dưới mức điểm công bố lại sẽ gây nhiều khó khăn.
Với những năm sau, nếu Bộ yêu cầu các trường top trên lấy ngưỡng đầu vào cao hơn điểm sàn để tránh khoảng lệch lớn thì cũng nên khuyến cáo trước khi các trường nhận hồ sơ để các trường cân nhắc và chủ động hơn”.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái – Hiệu phó ĐH Thủy Lợi cũng chia sẻ: “Năm 2016, theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh có thể nộp hồ sơ vào trường trong khối GX lẫn khối ngoài. Nhà trường để ngưỡng điểm xét tuyển là 15 điểm riêng đối với chương trình tiên tiến ngưỡng xét tuyển là 16 điểm là hợp lý.
Một số trường mà điểm chuẩn cao hẳn như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương hay Đại học Y Hà nội thực tế điểm chuẩn của họ rất cao. Vì thế, họ hoàn toàn có quyền nâng ngưỡng điểm đầu vào cao 2-3 điểm so với điểm sàn không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, ĐH Thủy lợi không nằm trong top trường có điểm chuẩn cao mặc dù mọi năm cũng có những ngành cao hơn điểm sàn 5-6 điểm còn những ngành thấp chỉ cao hơn điểm sàn 0,5 – 1 điểm. Vì thế, để đảm bảo “an toàn” Nhà trường hạ ngưỡng điểm đầu vào và chọn thí sinh từ trên xuống. Nếu nâng ngưỡng điểm đầu vào lên cao quá sẽ có thể không tuyển đủ chỉ tiêu.
Với những trường top dưới lo không tuyển đủ thí sinh thì họ phải từng bước phấn đấu để chứng tỏ chất lượng đào tạo của mình, lúc ấy sẽ thu hút được thí sinh”.